Thế giới

Cơ quan lãnh đạo tối cao của quân đội Trung Quốc

07:28, 17/10/2022
Quân ủy Trung ương là cơ quan lãnh đạo cao nhất về quân sự của Trung Quốc. Theo thời gian, cơ quan này đã thay đổi cùng với quá trình cải tổ toàn diện của quân đội Trung Quốc.
 

Với 2 triệu quân nhân thường trực (theo sách trắng quốc phòng Trung Quốc năm 2019), Trung Quốc có lực lượng quân sự lớn nhất thế giới. Đứng đầu đội quân ấy là Quân ủy Trung ương - cơ quan quốc phòng cấp cao nhất của Trung Quốc.

Malcolm Davis, nhà phân tích cấp cao của Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI). Một trong những lĩnh vực được ông tập trung nghiên cứu là quá trình hiện đại hóa của quân đội Trung Quốc.
Malcolm Davis, nhà phân tích cấp cao của Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI). Một trong những lĩnh vực được ông tập trung nghiên cứu là quá trình hiện đại hóa của quân đội Trung Quốc.

Cơ cấu hiện tại của Quân ủy Trung ương Trung Quốc gồm 7 thành viên và 15 đơn vị trực thuộc nhưng điều này không phải luôn như vậy. Đó là kết quả của quá trình cải tổ và là một phần của quá trình cải cách quân đội của Chủ tịch Tập Cận Bình.

“Tôi cho rằng những cải cách mà ông Tập thực hiện, đặc biệt các biện pháp được nêu bật trong sách trắng quốc phòng Trung Quốc năm 2015, đã thật sự khiến quân đội Trung Hoa thay đổi theo hướng tập trung hơn vào hiệp đồng tác chiến”, ông Malcolm Davis, nhà phân tích cấp cao của Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI), nói với PV.

Triển khai 10 năm trước

Sau khi trở thành tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 11/2012, ông Tập Cận Bình tuyên bố cải tổ quân đội để phù hợp với “tình hình và thách thức mới về an ninh và phát triển”, theo China Daily.

Sau thời gian nghiên cứu, tháng 11/2015, kế hoạch cải tổ toàn diện được công bố chính thức. Trong những ngày cuối cùng của năm 2015, Trung Quốc thành lập quân chủng Tên lửa, quân chủng Chi viện Chiến lược và Bộ Tư lệnh quân chủng Lục quân.

Quân đội Trung Quốc cắt giảm 300.000 binh sĩ và giảm quy mô lực lượng Lục quân, nhưng đồng thời mở rộng quân chủng Hải quân và Tên lửa. Mục đích là để lực lượng Lục quân không chiếm tỷ trọng quá lớn trong quân đội Trung Quốc.

Những tướng lĩnh tại Đại lễ đường Nhân dân Trung Quốc năm 2018. Ảnh: Reuters.
Những tướng lĩnh tại Đại lễ đường Nhân dân Trung Quốc năm 2018. Ảnh: Reuters.

Ông Davis cho rằng quá trình cải tổ giúp quân đội Trung Quốc có một số bước tiến, nhất là về phương diện trên biển và trên không. Lúc này, quân đội Trung Quốc đang tập trung vào việc tăng cường năng lực hiệp đồng tác chiến giữa các binh chủng.

“Quá trình này vẫn đang diễn ra. Trung Quốc vẫn đang làm quen với cách tiếp cận hiệp đồng tác chiến sau khi dành nhiều năm với cách tiếp cận binh chủng đơn lẻ”, ông Davis nói. “Chúng ta đang nhìn thấy Trung Quốc tổ chức thêm nhiều đợt diễn tập quy mô lớn tập trung vào hiệp đồng tác chiến”.

Tới đầu năm 2016, hệ thống quân khu trước đó đã tồn tại hàng chục năm của Trung Quốc được thay thế bằng hệ thống 5 chiến khu: Đông bộ, Tây bộ, Bắc bộ, Nam bộ và Trung tâm, theo SCMP.

Sự thành lập các chiến khu được thực hiện theo nguyên tắc “Quân ủy quản tổng, chiến khu chủ chiến, quân chủng chủ kiến” do ông Tập đưa ra trong cuộc họp Quân ủy Trung ương về cải tổ vào tháng 11/2015.

Theo nguyên tắc này, khác với quân khu cũ, một chiến khu không đồng thời đảm nhiệm chức năng vừa xây dựng lực lượng vừa chỉ huy tác chiến trong khu vực. Chiến khu sẽ tập trung vào chỉ huy tác chiến liên hợp và phụ trách hoạt động tác chiến phi hạt nhân trong khu vực địa lý.

Việc xây dựng và quản lý lực lượng do các quân chủng đảm nhiệm. Quân ủy Trung ương sẽ bảo đảm sự lãnh đạo và chỉ huy thống nhất của quân đội, theo cổng thông tin China của Trung Quốc.

Trong quá trình cải tổ, cơ cấu lãnh đạo của Quân ủy Trung ương gần như không thay đổi nhưng số lượng thành viên giảm từ 11 xuống còn 7 vào năm 2017.

Thành phần Quân ủy Trung ương Trung Quốc nhiệm kỳ 2017-2022. Đồ họa: Quốc Đạt.
Thành phần Quân ủy Trung ương Trung Quốc nhiệm kỳ 2017-2022. Đồ họa: Quốc Đạt.

Tổng bí thư Tập Cận Bình hiện giữ vị trí chủ tịch Quân ủy Trung ương. Giúp việc cho chủ tịch là 2 phó chủ tịch Quân ủy Trung ương, gồm 2 thượng tướng Hứa Kỳ Lượng và Trương Hựu Hiệp.

Ngoài ra, Quân ủy Trung ương có các ủy viên, hiện gồm thượng tướng Ngụy Phượng Hòa - Bộ trưởng Quốc phòng, thượng tướng Lý Tác Thành - Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu liên hợp, đô đốc Miêu Hoa - Chủ nhiệm Bộ Công tác Chính trị Quân ủy Trung ương, và thượng tướng Trương Thăng Dân - Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Quân ủy Trung ương.

Thay đổi lớn nhất đối với Quân ủy Trung ương trong đợt cải tổ có lẽ là các cơ quan dưới quyền. Trước tháng 1/2016, trực thuộc Quân ủy Trung ương là 4 cơ quan: Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần và Tổng cục Trang bị.

Sau tháng 1/2016, 4 cơ quan này được cơ cấu lại thành 15 đơn vị trực thuộc Quân ủy Trung ương, bao gồm Văn phòng Quân ủy Trung ương, Bộ Tham mưu Liên hợp, Bộ Công tác Chính trị, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật… Ngoài ra, Quân ủy Trung ương cũng trực tiếp quản lý quân chủng Tên lửa, quân chủng Chi viện Chiến lược.

Hai mục đích cải tổ chính

Giới chuyên gia nhận định việc số thành viên Quân ủy Trung ương được giảm từ 11 xuống 7 giúp tăng mức độ hiệu quả và đẩy nhanh tốc độ ra quyết định, đồng thời cũng là một cách để tập trung quyền lực.

"Thành viên càng ít thì thẩm quyền càng được tập trung. Điều ấy có nghĩa chiếc ghế chủ tịch sẽ có nhiều trách nhiệm hơn", tiến sĩ Li Nan, nghiên cứu viên cấp cao thỉnh giảng thuộc Viện Đông Á, Đại học Quốc gia Singapore, người chuyên nghiên cứu quân sự Trung Quốc, nói với PV.

Tiến sĩ Li Nan, nghiên cứu viên cấp cao thỉnh giảng thuộc Viện Đông Á, Đại học Quốc gia Singapore, người chuyên nghiên cứu quân sự Trung Quốc. cuộc trao đổi giữa Zing và tiến sĩ Li.
Tiến sĩ Li Nan, nghiên cứu viên cấp cao thỉnh giảng thuộc Viện Đông Á, Đại học Quốc gia Singapore, người chuyên nghiên cứu quân sự Trung Quốc. cuộc trao đổi giữa Zing và tiến sĩ Li.

Một mục đích của đợt cải tổ là tăng cường sự lãnh đạo của Quân ủy Trung ương và của đảng Cộng sản Trung Quốc đối với quân đội, thông qua thực hiện chế độ “trách nhiệm chủ tịch quân ủy”.

Theo chế độ này, chủ tịch Quân ủy Trung ương, tức Tổng bí thư Tập Cận Bình, sẽ phụ trách công tác toàn diện của Quân ủy Trung ương, lãnh đạo chỉ huy lực lượng vũ trang toàn quốc và quyết định mọi vấn đề trọng đại trong xây dựng quốc phòng quân đội.

Động thái bỏ 4 tổng cục để thay bằng 15 cơ quan trực thuộc cũng được cho là nhằm tăng cường sự lãnh đạo của chủ tịch và các phó chủ tịch Quân ủy Trung ương, theo ông Li.

Chẳng hạn, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật, Ủy ban Chính trị Pháp luật và Sở Kiểm toán từ chỗ là cơ quan trực thuộc các tổng cục, sau khi cải tổ đã có vị trí độc lập. Những cơ quan này từ đó có khả năng báo cáo trực tiếp lên lãnh đạo Quân ủy Trung ương mà không chịu sự can thiệp từ cấp trên, ông Li đánh giá.

Các cơ quan, lực lượng, đơn vị chịu sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương Trung Quốc sau cải tổ. Đồ họa: Reuters. Việt hóa: Quốc Đạt.
Các cơ quan, lực lượng, đơn vị chịu sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương Trung Quốc sau cải tổ. Đồ họa: Reuters. Việt hóa: Quốc Đạt.

Một mục tiêu khác của cải tổ cơ cấu Quân ủy Trung ương còn là để gia tăng năng lực tác chiến liên hợp của quân đội, theo giới chuyên gia.

Nếu là 10 năm trước, việc một chỉ huy quân chủng Tên lửa phụ trách quản lý quan hệ với quân đội nước ngoài sẽ là điều không tưởng. Nhưng tướng Ngụy Phượng Hòa - một trong 4 ủy viên Quân ủy Trung ương - đã được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc vào năm 2018.

Hay ông Hứa Kỳ Lượng cũng là tướng không quân đầu tiên được bổ nhiệm vị trí phó chủ tịch Quân ủy Trung ương, trong khi những vị trí này thường do các sĩ quan lục quân nắm giữ, theo SCMP.

“Những điều này đều thể hiện tầm quan trọng ngày càng tăng của các binh chủng khác ngoài Lục quân Trung Quốc”, chuyên gia Davis nói với Zing. “Đó là lý do chúng ta đang thấy thêm nhiều sĩ quan cấp cao từ các binh chủng khác trong Quân ủy Trung ương”.

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện