Thế giới

Ngôi sao mới trong Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc

19:53, 24/10/2022
Gần 20 năm sau khi là phụ tá cho ông Tập Cận Bình tại Chiết Giang, ông Lý Cường một lần nữa có cơ hội làm việc với cấp trên cũ của mình, nhưng trên một cương vị khác.
 

11h ngày 23/10, 7 ủy viên mới trong Ban thường vụ Bộ Chính trị khóa XX - những người sẽ chèo lái Trung Quốc trong 5 năm tới - bước ra trước sự quan sát của báo giới.

Đi đầu tiên là Tổng bí thư Tập Cận Bình. Đi ở vị trí thứ hai là ông Lý Cường, Bí thư Thành ủy Thượng Hải, qua đó thể hiện vị thế của ông trong bộ máy lãnh đạo mới của Trung Quốc.

Trước đó, trong các lễ ra mắt sau Đại hội XVIII và XIX, ông Lý Khắc Cường - người sau đó được chọn làm Thủ tướng Trung Quốc, cũng đã đều đi ngay sau ông Tập. Tại đại hội năm nay, ông Lý Khắc Cường không còn có tên trong danh sách ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XX.

Ứng viên đặc biệt

Việc ông Lý Cường giờ đây là ứng viên hàng đầu cho ghế thủ tướng Trung Quốc khiến một số nhà quan sát bất ngờ. Trong hàng chục năm qua, người đứng đầu Quốc Vụ viện (chính phủ) Trung Quốc đều được chọn từ các phó thủ tướng.

Ông Lý chưa từng đảm nhiệm cương vị nào trong chính quyền trung ương. Sự nghiệp của ông tập trung vào ba tỉnh thành: Quê nhà Chiết Giang, tỉnh Giang Tô kế cận và thành phố Thượng Hải.

Ông Lý đi sau ông Tập trong lễ ra mắt của Ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc khóa XX. Ảnh: Reuters.
Ông Lý đi sau ông Tập trong lễ ra mắt của Ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc khóa XX. Ảnh: Reuters.

Năm 2004, khi đang là bí thư thành ủy quê nhà Ôn Châu, ông Lý được điều động làm chánh văn phòng tỉnh ủy Chiết Giang. Với chức vụ này, ông được coi là người đứng đầu nhóm giúp việc của Bí thư Tỉnh ủy Chiết Giang Tập Cận Bình - người vừa nhậm chức 2 năm trước đó.

Khi ở vị trí này, ông Lý thường xuyên tháp tùng ông Tập trong các chuyến thị sát, cũng như sửa bài phát biểu của nhà lãnh đạo Trung Quốc tương lai, South China Morning Post cho biết.

Ông Lý cũng hỗ trợ ông Tập đề ra các chính sách tại Chiết Giang. Một vài ý tưởng trong đó đã trở thành “Tư tưởng kinh tế Tập Cận Bình” mà cả nước Trung Quốc đang áp dụng.

Sinh năm 1959 tại huyện Thụy An, thành phố Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang, sau quãng thời gian học tập tại Đại học Nông nghiệp Chiết Giang, ông Lý trở về quê nhà công tác. Tới năm 43 tuổi, ông trở thành Bí thư Thành ủy Ôn Châu - thành phố nằm ở Đông Nam Chiết Giang.

Ông Lý (giữa) tháp tùng ông Tập trong chuyến thị sát của nhà lãnh đạo Trung Quốc tới Thượng Hải tháng 11/2018. Ảnh: Tân Hoa xã.
Ông Lý (giữa) tháp tùng ông Tập trong chuyến thị sát của nhà lãnh đạo Trung Quốc tới Thượng Hải tháng 11/2018. Ảnh: Tân Hoa xã.

Theo ông Chu Đức Văn, người từng thường xuyên giao tiếp với ông Lý trên cương vị hội trưởng Hội Xúc tiến Doanh nghiệp vừa và nhỏ Ôn Châu, chính trị gia này là người rất ủng hộ các doanh nghiệp tư nhân.

“Ông ấy không ngại chịu rủi ro và trách nhiệm”, ông Chu nói với South China Morning Post sau khi ông Lý trở thành Bí thư Thượng Hải năm 2017. “Khi đó, các doanh nghiệp tư nhân tại Ôn Châu không mấy mặn mà với việc trở thành công ty đại chúng. Nhưng ông Lý khuyến khích họ lên sàn chứng khoán - ông ấy đã thay đổi suy nghĩ của nhiều chủ doanh nghiệp”.

Ông Chu cũng cho biết ông Lý - người được mô tả là “có óc đổi mới” - đã cố gắng mở rộng các lĩnh vực mà giới doanh nghiệp tư nhân có thể làm ăn, cũng như kêu gọi các công ty nước ngoài kinh doanh và đầu tư tại Ôn Châu.

Thân thiện với giới doanh nghiệp

Năm 2012, 5 năm sau khi ông Tập rời Chiết Giang, ông Lý được bổ nhiệm làm tỉnh trưởng - vị quan chức số hai của địa phương này. Tới năm 2016, khi ông Tập đã trở thành lãnh đạo cao nhất Trung Quốc, ông Lý trở thành Bí thư Tỉnh ủy Giang Tô.

Chiết Giang là nơi đặt trụ sở của một số công ty tư nhân năng động hàng đầu tại Trung Quốc - bao gồm tập đoàn Alibaba. Trong khi đó, Giang Tô là tỉnh đóng góp lớn thứ hai vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Trung Quốc, chỉ sau Quảng Đông, theo số liệu của cơ quan thống kê nước này.

Với những vị trí trên, ông Lý có cơ hội có thêm kinh nghiệm điều hành ở những tỉnh có tầm quan trọng hàng đầu tại Trung Quốc, qua đó sẵn sàng đảm nhận các trách nhiệm lớn hơn.

Khi ông Lý trở thành Bí thư Thượng Hải năm 2017, các nhà quan sát tin chắc rằng ông sẽ còn có cơ hội tiếp tục thăng tiến trong tương lai. Từ đầu thập niên 1990, hầu hết bí thư Thượng Hải đều trở thành ủy viên Ban thường vụ Bộ Chính trị sau đó.

Ông Lý và tỷ phú Elon Musk. Công ty Tesla của ông Musk vận hành một siêu nhà máy tại Thượng Hải, cơ sở đã sản xuất hơn một triệu ôtô điện chỉ trong vài năm. Ảnh: Sina.
Ông Lý và tỷ phú Elon Musk. Công ty Tesla của ông Musk vận hành một "siêu nhà máy" tại Thượng Hải, cơ sở đã sản xuất hơn một triệu ôtô điện chỉ trong vài năm. Ảnh: Sina.

Hàn Chính, người tiền nhiệm của ông Lý, đã trở thành Phó thủ tướng Trung Quốc ngay sau khi rời Thượng Hải. Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đảm nhiệm cương vị người đứng đầu của trung tâm tài chính Trung Quốc trong 7 tháng trong năm 2007.

Tại Thượng Hải, ông Lý đã để lại ấn tượng là một lãnh đạo có cách tiếp cận thực tế trong giải quyết vấn đề.

Một doanh nhân tại Thượng Hải chia sẻ với Reuters rằng ông đã bất ngờ khi ông Lý phản hồi một lá thư đề nghị giúp đỡ. “Ông ấy để ý đến vụ việc của chúng tôi và khơi thông các cản trở không cần thiết về mặt thủ tục, dù chúng tôi chỉ là một công ty tư nhân nhỏ”, người này nói.

Ông Lý được giới kinh doanh đánh giá là ứng viên tốt cho cương vị người đứng đầu chính phủ Trung Quốc. Trả lời Wall Street Journal, một số doanh nhân từng làm việc với ông Lý nhận định chính trị gia này sẽ có cách tiếp cận thân thiện với hoạt động kinh doanh.

Dù vậy, công việc sắp tới với ông Lý sẽ không dễ dàng. Giáo sư Yang Zhang, chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Mỹ (American University), chỉ ra rằng ông Lý chưa từng đảm nhiệm công việc ở trung ương nên sẽ cần thêm thời gian làm quen, theo New York Times.

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện