Thế giới

Nga quyết dập tắt cuộc nổi dậy "phản quốc"

08:08, 25/06/2023
Phát biểu trên truyền hình ngày 24-6, Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi hành động của tổ chức quân sự tư nhân Wagner là phản quốc và tuyên bố sẽ nghiêm trị những kẻ đứng sau cuộc nổi dậy có vũ trang này.

"Những tham vọng quá mức và quyền lợi nhất thời đã dẫn đến sự phản bội" - nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh, đồng thời gọi cuộc nổi dậy là "cú đâm sau lưng".

Theo người đứng đầu Điện Kremlin, đó là đòn giáng vào đất nước và người dân Nga nhưng Nga sẽ có hành động mạnh mẽ để bảo vệ tổ quốc trước mối đe dọa như vậy. Hãng thông tấn TASS dẫn lời người phát ngôn của ông Putin cho biết lãnh đạo Nga đã điện đàm với những người đồng cấp Uzbekistan, Belarus và Kazakhstan.

Wagner, được Nga gọi là “công ty quân sự tư nhân”, ra đời vào năm 2014 nhưng phải đến tháng 9-2022, ông Yevgeny Prigozhin mới thừa nhận rằng mình đã thành lập nó, theo Reuters.

Trước đó cùng ngày, ông Yevgeny Prigozhin, người đứng đầu Wagner, tuyên bố lực lượng này đã kiểm soát các đường phố và trụ sở quân sự ở Rostov-on-Don, thành phố miền Nam có hơn 1 triệu dân ở gần biên giới Ukraine. Rostov-on-Don là trung tâm hậu cần chính cho chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.

Một nguồn tin an ninh Nga nói với hãng tin Reuters rằng lực lượng Wagner giành quyền kiểm soát các cơ sở quân sự ở TP Voronezh, cách thủ đô Moscow khoảng 500 km. Tuy nhiên, thống đốc tỉnh Voronezh, nơi có thành phố cùng tên, cho biết quân đội đang thực hiện các biện pháp quân sự cần thiết trong khu vực như một phần của chiến dịch chống khủng bố.

Tại Moscow, an ninh được thắt chặt ở một số khu vực và thị trưởng thủ đô cũng thông báo các biện pháp chống khủng bố đang được triển khai.

Hàng rào an ninh trên Quảng trường Đỏ ở trung tâm Moscow - Nga hôm 24-6. Ảnh: REUTERS
Hàng rào an ninh trên Quảng trường Đỏ ở trung tâm Moscow - Nga hôm 24-6. Ảnh: REUTERS

Lực lượng Wagner đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch quân sự kéo dài 16 tháng ở Ukraine, nhất là tại các thành phố Bakhmut và Soledar.

Nguồn cơn căng thẳng được cho là do ông Prigozhin bất đồng với các tướng lĩnh hàng đầu trong quân đội Nga suốt nhiều tháng qua. Trong tháng này, ông Prigozhin phản đối ký một hợp đồng yêu cầu lực lượng Wagner hành động theo sự chỉ huy của Bộ Quốc phòng Nga.

Trong khi đó, Tổng cục An ninh Liên bang Nga (FSB) đang điều tra cáo buộc nổi loạn có vũ trang của thủ lĩnh Wagner và cho rằng ông này đã khởi xướng cuộc xung đột vũ trang dân sự trên lãnh thổ Nga. FSB kêu gọi các binh sĩ Wagner bắt giữ ông Prigozhin.

Tướng Sergei Surovikin, phó chỉ huy chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, kêu gọi Wagner tuân theo chỉ đạo của chính quyền Moscow và dừng lại trước khi quá muộn.

Các nước phương Tây cho biết họ đang theo sát tình hình ở Nga. Nhà Trắng cho biết Tổng thống Joe Biden đã được thông báo về vụ việc trong khi chính phủ Anh khuyến cáo người dân không đến Nga lúc này.

Tại Estonia, Thủ tướng Kaja Kallas cho biết nước này đã tăng cường an ninh biên giới. Văn phòng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, chính phủ của Thủ tướng Đức Olaf Scholz và văn phòng của Thủ tướng Ý Giorgia Meloni cho biết đều đang theo dõi sát sao.

Tại thủ đô Warsaw, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đã có cuộc tham vấn với thủ tướng và Bộ Quốc phòng, còn Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết đã liên lạc với các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) cũng như các đối tác trong nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7).

 

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện