Thế giới

Israel bị nghi đánh bom Đại sứ quán Iran, khiến 7 nhà ngoại giao thiệt mạng

08:44, 02/04/2024
Máy bay chiến đấu được nghi là của Israel đã thả bom vào bom Đại sứ quán Iran ở Syria vào thứ Hai. Đây là lần đầu tiên Tel Aviv tấn công trực diện vào tòa đại sứ quán Iran.
Đại sứ quán Iran đổ nát sau cuộc không kích. Ảnh: REUTERS/Firas Makdesi
Đại sứ quán Iran đổ nát sau cuộc không kích. Ảnh: REUTERS/Firas Makdesi

Vụ tấn công đã đánh dấu nguy cơ xung đột giữa Israel với các đối thủ trong khu vực. Phóng viên của Reuters có mặt tại hiện trường ở quận Mezzeh, Thủ đô Damascus, Syria, đã ghi nhận hình ảnh các nhân viên cứu hộ đang nỗ lực tìm kiếm và cứu hộ trên đống đổ nát của một tòa nhà bị phá hủy bên trong khuôn viên khu ngoại giao, cạnh tòa nhà Đại sứ quán Iran. Xe cứu thương được đậu bên ngoài. Một lá cờ Iran được treo trên cột gần đống đổ nát.

"Chúng tôi lên án mạnh mẽ vụ tấn công khủng bố tàn bạo  nhằm vào tòa lãnh sự Iran ở Damascus, gây ra cái chết của những người vô tội", Bộ trưởng Ngoại giao Syria Faisal Mekdad, người đã có mặt tại hiện trường cùng với Bộ trưởng Nội vụ Syria, nói.

Đại sứ Iran tại Syria cho biết cuộc tấn công đã đánh trúng một tòa nhà lãnh sự trong khuôn viên đại sứ quán và dinh thự của ông nằm ở hai tầng trên cùng.

Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cho biết  7 cố vấn quân sự Iran đã thiệt mạng trong cuộc tấn công, bao gồm Mohammad Reza Zahedi, một chỉ huy cấp cao trong Lực lượng Quds, một nhánh biệt kích và bán quân sự tinh nhuệ của Iran ở nước ngoài.

Israel từ lâu đã nhắm vào các cơ sở quân sự của Iran ở Syria và các lực lượng do Tehran hậu thuẫn, nhưng cuộc tấn công hôm thứ Hai là lần đầu tiên Tel Aviv tấn công trực diện vào tòa đại sứ quán Iran.

Trong thời gian qua, Israel đã tăng cường các cuộc tấn công song song với chiến dịch chống lại lực lượng vũ trang Hamas của Palestine do Iran hậu thuẫn, nhóm đã châm ngòi cho cuộc chiến Gaza bằng một cuộc tấn công vào Israel vào ngày 7/10, khiến khoảng 1.200 người chết và bắt giữ 253 công dân Israel làm con tin, theo thống kê của Israel.

Theo các cơ quan y tế Palestine, hơn 32.000 người Palestine đã thiệt mạng trong cuộc tấn công của Israel vào Gaza.

Quân đội Israel đã mở rộng các cuộc không kích ở Syria nhằm vào Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran và nhóm vũ trang Hezbollah do Iran hậu thuẫn ở Lebanon, cả hai đều ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Israel thường không công khai các cuộc tấn công của lực lượng nước này nhằm vào Syria. Khi được hỏi về cuộc tấn công, một phát ngôn viên quân đội Israel cho biết: "Chúng tôi không bình luận về các báo cáo trên truyền thông nước ngoài".

The New York Times dẫn lời bốn quan chức Israel giấu tên thừa nhận Israel đã thực hiện cuộc tấn công.

Đại sứ của Iran tại Liên hợp quốc mô tả cuộc tấn công là "sự vi phạm trắng trợn Hiến chương Liên hợp Quốc, luật pháp quốc tế và nguyên tắc cơ bản về bất khả xâm phạm của các cơ sở ngoại giao và lãnh sự". Cuộc tấn công là "mối đe dọa đáng kể đối với hòa bình và an ninh khu vực", kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc lên án cuộc tấn công và cho biết Tehran có quyền "đáp trả dứt khoát".

 Hezbollah, nhóm vũ trang mạnh nhất của Iran trong khu vực, tuyên bố sẽ đáp trả. "Tội ác này sẽ không bị bỏ qua, kẻ thù phải nhận hình phạt và sự trả thù", nhóm này cho biết trong một tuyên bố.

Cùng với Nga, các quốc gia Hồi giáo bao gồm Iraq, Jordan, Oman, Pakistan, Qatar, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất cũng lên án cuộc tấn công.

Trước đó, Đại sứ Iran tại Syria, Hossein Akbari, người may mắn thoát nạn trong vụ tấn công trên, nói với truyền hình nhà nước Iran rằng 5 đến 7 người, bao gồm cả các nhà ngoại giao, đã thiệt mạng. Tehran sẽ đáp trả "gay gắt".

Truyền thông quốc gia Iran cho biết Tehran tin rằng Zahedi là mục tiêu của cuộc tấn công. Phó tướng của ông và một chỉ huy cấp cao khác cũng đã thiệt mạng cùng với bốn người khác.

Đài truyền hình Al Alam tiếng Ả Rập của Iran cho biết Zahedi là một cố vấn quân sự ở Syria, từng giữ chức vụ đứng đầu Lực lượng Quds ở Lebanon và Syria cho đến năm 2016.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Matthew Miller cho biết Washington vẫn "quan ngại về các hành động có thể dẫn đến leo thang hoặc gây ra gia tăng xung đột trong khu vực" nhưng không mong đợi cuộc tấn công sẽ ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán giải phóng các con tin Israel do Hamas giam giữ.

Các nhà phân tích đưa ra nhiều luồng ý kiến về việc liệu cuộc tấn công vào khuôn viên Đại sứ quán Iran có châm ngòi cho bạo lực lớn hơn đáng kể hay không.

Jon Alterman, thuộc nhóm nghiên cứu CSIS của Washington, cho biết cuộc tấn công có thể phản ánh niềm tin của Israel rằng các cuộc tấn công như vậy có tác dụng răn đe và khiến cho một cuộc xung đột rộng lớn hơn ít có khả năng xảy ra hơn.

Ông nói: "Người Israel tin chắc rằng nếu họ dừng lại, mối đe dọa sẽ gia tăng chứ không giảm bớt. Họ tin rằng việc thực hiện một điều gì đó định kỳ như thế này sẽ răn đe đối thủ".

Tuy nhiên, Steven Cook, một nhà phân tích tại Hội đồng Quan hệ Ngoại giao ở Washington, lại thấy tiềm năng căng thẳng leo thang.

Ông nói: "IRGC có thể nới lỏng các hạn chế đối với các lực lượng ủy nhiệm ở Iraq và Syria, khiến các lực lượng Mỹ lại gặp nguy hiểm". Iran cũng có thể chỉ đạo Hezbollah leo thang các cuộc tấn công nhằm vào Israel, vốn đang ngày càng kích động và quyết liệt hơn."

KT

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện