Thời sự - Chính trị

Triển khai công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023

17:38, 20/04/2023
Chiều 20/4, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023. Chủ trì tại điểm cầu Nghệ An có đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh. 
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Nghệ An.
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Nghệ An.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, năm 2022, thiên tai trên phạm vi cả nước đã làm 175 người chết, mất tích, thiệt hại về kinh tế gần 19.500 tỷ đồng. Từ đầu năm 2023 đến nay, thiên tai cũng đã làm 7 người mất tích, thiệt hại kinh tế gần 25 tỷ đồng.

Tại Nghệ An, năm 2022, thiên tai đã làm chết 12 người, ước tính thiệt hại về kinh tế khoảng 1.265 tỷ đồng.

Lãnh đạo các Sở, ban ngành tỉnh Nghệ An dự hội nghị.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Nghệ An.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, năm 2023 có khả năng xuất hiện khoảng 12 - 14 cơn bão mạnh và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông, trong đó có 4 - 6 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta. Lượng mưa trong năm có xu hướng gia tăng trên phạm vi toàn quốc.

Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị.
Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Tham luận tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cho biết: Nghệ An thường xuyên phải hứng chịu nhiều loại hình thiên tai… Vì vậy, tỉnh luôn xác định phương châm “chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả, trong đó lấy phòng là chính”. Ngay trước mùa mưa bão, các địa phương đã chủ động rà soát, xây dựng phương án, kịch bản ứng phó thiên tai phù hợp với tình hình cụ thể, theo phương châm “4 tại chỗ”, đặc biệt chú ý tới công tác di dời dân tại các vùng có nguy cơ bị sạt lở. Công tác khắc phục hậu quả, tái thiết sau thiên tai được thực hiện theo 3 bước: an toàn về người, tài sản; ổn định cuộc sống; phát triển lâu dài.

a
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Nghệ An.

Nêu lên một số khó khăn, hạn chế trong công tác phòng chống thiên tai – tìm kiếm cứu nạn cùng một số bài học kinh nghiệm trong công tác ứng phó với ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An kiến nghị: Bộ NN&PTNT sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch Phòng chống thiên tai, thủy lợi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồng thời hỗ trợ tỉnh Nghệ An đầu tư xây dựng công trình Đập sông Lam kết hợp cầu giao thông để phục vụ điều tiết lũ, chống xâm mặn, chống hạn và cung cấp nước sinh hoạt.

a
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh chụp màn hình.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nêu rõ: biến đổi khí hậu đang làm thiên tai ngày càng cực đoan, khó đoán định… Trong xu thế hiện nay, công tác phóng chống thiên tai sẽ ngày càng khó khăn và khả năng chống chịu xét trên bình diện tổng thể sẽ bị suy giảm. Do những tác động, hậu quả của thiên tai ngày càng nhiều trong khi đó nguồn lực ứng phó so chưa thể đáp ứng được nhu cầu thực tế… Vì vậy, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị các Bộ, ngành, địa phương phải tuân thủ các quy định của pháp luật trong phòng chống thiên tai; thường xuyên rà soát, điều chỉnh các quy định cho phù hợp với thực tế. Tập trung nhiều hơn cho công tác phòng ngừa và ưu tiên nguồn lực để tăng cường công tác dự báo, cảnh báo… Đặc biệt, các Bộ, ngành, địa phương phải phối hợp hiệu quả, không đùn đẩy trách nhiệm trong công tác phòng chống thiên tai. Các địa phương cũng phải lồng ghép các nguồn lực cũng như quy hoạch phòng chống thiên tai vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030./.

Thái Dương - Trường Ca

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện