Thời sự - Chính trị

Bộ trưởng Y tế, Giáo dục - Đào tạo trả lời chất vấn trước Quốc hội

18:28, 07/11/2023

Quốc hội tiến hành chất vấn 6 thành viên Chính phủ, trong các lĩnh vực: Khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; văn hóa, thể thao và du lịch; y tế; lao động, thương binh và xã hội; thông tin và truyền thông.

Chiều nay 7-11, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội tiếp tục tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc các lĩnh vực: Khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; văn hóa, thể thao và du lịch; y tế; lao động, thương binh và xã hội; thông tin và truyền thông. Đây cũng là nhóm vấn đề cuối cùng được lựa chọn chất vấn tại kỳ họp giữa nhiệm kỳ. 

Quốc hội tiếp tục chất vấn 6 tư lệnh ngành gồm: Khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; văn hóa, thể thao và du lịch; y tế; lao động, thương binh và xã hội; thông tin và truyền thông
Quốc hội tiếp tục chất vấn 6 "tư lệnh" ngành gồm: Khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; văn hóa, thể thao và du lịch; y tế; lao động, thương binh và xã hội; thông tin và truyền thông

Theo chương trình, từ 14 giờ đến 15 giờ, Quốc hội tiếp tục chất vấn các thành viên Chính phủ, trưởng ngành đối với các lĩnh vực: Tư pháp; nội vụ; an ninh, trật tự, an toàn xã hội; thanh tra; tòa án; kiểm sát; kiểm toán.

Từ 15 giờ đến 17 giờ, Quốc hội tiến hành chất vấn các thành viên Chính phủ, trưởng ngành về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn đối với các lĩnh vực: Khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; văn hóa, thể thao và du lịch; y tế; lao động, thương binh và xã hội; thông tin và truyền thông.

Nội dung này sẽ được tiếp tục chất vấn vào đầu giờ sáng 8-11 và kéo dài trong 90 phút của phiên làm việc.

Sau đó, từ 9 giờ 50 đến 11 giờ, Thủ tướng Chính phủ sẽ có 70 phút để báo cáo giải trình, làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Trong báo cáo gửi Quốc hội, Bộ Giáo dục - Đào tạo cho biết tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên mầm non, phổ thông ở nhiều địa phương vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Việc quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ở một số địa phương chưa phù hợp, còn tình trạng thiếu trường, lớp ở một số khu đô thị, khu công nghiệp; thiếu đất cho xây dựng trường học, đặc biệt là ở các thành phố lớn.

Chất lượng một số sách giáo khoa (SGK) còn hạn chế. Một số SGK còn có nội dung chưa phù hợp với học sinh; chưa phù hợp với một số vùng miền, có từ ngữ mang tính địa phương; một số đoạn văn, bài thơ đưa vào SGK chưa được đánh giá cao; một số nội dung, ngữ liệu trong một số cuốn SGK, tài liệu giáo dục địa phương còn chưa phù hợp...; việc tổ chức thực nghiệm SGK còn một số bất cập, hạn chế.

Đối với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, trong báo cáo gửi Quốc hội, Bộ này cũng cho rằng đã xuất hiện các hiện tượng văn hóa tầm thường, dễ dãi, mang tính thị trường; các biểu hiện "lệch chuẩn" trong hưởng thụ văn hóa. Sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục đạo đức, lối sống chưa đồng bộ; chưa kết hợp tốt giữa giáo dục đạo đức và pháp luật; chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong việc tham gia xây dựng đạo đức, lối sống con người Việt Nam.

Tác động tiêu cực từ mặt trái của nền kinh tế thị trường, của quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng tới lĩnh vực văn hóa; môi trường văn hóa còn diễn biến phức tạp, có biểu hiện thiếu lành mạnh, ngoại lai, trái với thuần phong mỹ tục, xuống cấp về đạo đức, lối sống.

Báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng nhìn nhận thị trường lao động Việt Nam vẫn có hiện tượng mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ và có sự phát triển không đồng đều giữa các vùng miền, khu vực, ngành nghề kinh tế. Tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên còn cao, có hơn 1,5 triệu thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo (chiếm 11,7% tổng số thanh niên).

 

Theo NLĐ

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện