Y tế

Xơ phổi mô kẽ hậu COVID-19 có thể xuất hiện ở người trẻ, không bệnh nền

08:02, 19/04/2022
Biến chứng nguy hiểm xơ phổi mô kẽ có thể xuất hiện ở người trẻ, không mắc bệnh nền nhiễm nCoV.

PGS.TS Nguyễn Đình Tiến, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội), cho biết biểu hiện hô hấp hậu COVID-19 hay gặp gồm khó thở, ho kéo dài, đau ngực, huyết khối, thuyên tắc động mạch phổi, xơ phổi mô kẽ.

Nguyên nhân bệnh nhân COVID-19 bị khó thở, ho kéo dài, đau ngực là tăng chất miễn dịch Interleukin-6 (IL-6), protein lipocalin-2.

Ngoài ra, người bệnh có thể bị tổn thương mạch máu nhỏ ở phổi, xuất hiện huyết khối lớn, nhỏ khi mới mắc COVID-19. Tình trạng tăng đông có thể kéo dài qua thời kỳ hậu COVID-19.

Bác sĩ cần xét nghiệm D-dimer, kiểm tra X-quang phổi, điện tim, siêu âm tim nếu thấy bệnh nhân khó thở, đau tức ngực, ho ra máu. Nếu nghi ngờ thuyên tắc động mạch phổi, người bệnh cần chụp CT-Scan ngực có thuốc cản quang để chẩn đoán xác định huyết khối động mạch phổi.

Sau nhiễm nCoV, người bệnh thường xuyên bị ho kéo dài. (Ảnh: Hyfeapp)
Sau nhiễm nCoV, người bệnh thường xuyên bị ho kéo dài. (Ảnh: Hyfeapp)

TS Tiến nhận định xơ phổi mô kẽ là biến chứng nghiêm trọng nhất của hậu COVID-19. Người nhiễm nCoV viêm phổi nặng, phải thở máy, từng hút thuốc, nghiện rượu dễ bị xơ phổi. Việc điều trị bằng oxy liều cao, chấn thương do thở máy cũng làm tăng khả năng xơ phổi.

Tình trạng trên có thể xảy ra ở bệnh nhân trẻ tuổi mắc bệnh nhẹ, điều trị ngoại trú với biểu hiện như khó thở thường xuyên, tăng khi gắng sức, phụ thuộc thở oxy, mệt mỏi, phim CT Scan ngực tổn thương xơ tiến triển ở mô kẽ kết hợp tổn thương kính mờ 2 phổi, rối loạn thông khí hạn chế, giảm khả năng khuếch tán khí qua màng phế nang mao mạch phổi, giảm oxy, suy hô hấp.

Chuyên gia khuyến cáo khi người dân thấy cơ thể có các biểu hiện trên cần đi khám tại bệnh viện. Các bác sĩ sẽ xác định tình trạng bệnh, hướng dẫn điều trị triệu chứng, chăm sóc sức khỏe cần thiết.

Bệnh nhân không nên quá hoang mang, lo lắng. Người trẻ không mắc bệnh nền, điều trị ngoại trú chỉ tái khám khi có triệu chứng hô hấp kéo dài. Còn bệnh nhân lớn tuổi, có bệnh nền mắc COVID-19 trung bình đến nặng, không nhập viện nên tái khám 3 tuần kể từ ngày nhiễm SARS-CoV-2. Bệnh nhân nặng điều trị ở bệnh viện phải khám trong một tuần kể từ khi xuất viện, tối đa 2-3 tuần.

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện