Y tế

Nghiên cứu phát hiện triệu chứng và đường lây nhiễm lạ của bệnh đậu mùa khỉ

14:41, 24/07/2022
Đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ đang diễn ra khác với những gì từng xảy ra ở các nước châu Phi - nơi virus này lưu hành.
Hình ảnh dưới kính hiển vi do Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh công bố về virus đậu mùa khỉ.
Hình ảnh dưới kính hiển vi do Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh công bố về virus đậu mùa khỉ.

Theo trang poz.com ngày 23/7, kết luận trên được đưa ra dựa trên nghiên cứu loạt ca bệnh đậu mùa khỉ lớn nhất cho đến nay và được công bố trên Tạp chí Y học New England (NEJM).

Tác giả chính của nghiên cứu, bà Chloe Orkin tại Đại học Queen Mary (London), cho biết: “Chuỗi ca bệnh toàn cầu này đã cho phép các bác sĩ từ 16 quốc gia chia sẻ kinh nghiệm lâm sàng sâu rộng và nhiều hình ảnh lâm sàng để giúp các bác sĩ khác ở những nơi có ít ca bệnh hơn. Chúng tôi đã chỉ ra rằng cần mở rộng cách xác định ca bệnh để bổ sung thêm các triệu chứng hiện chưa được tính tới, chẳng hạn như vết loét trong miệng, trên niêm mạc hậu môn và các vết loét đơn lẻ. Điều này sẽ giúp các bác sĩ dễ dàng nhận ra các ca nhiễm bệnh và do đó ngăn chặn mọi người truyền bệnh”.

Hầu hết các trường hợp mắc đậu mùa khỉ cho đến nay là ở những người đồng tính nam, người song tính và nam giới có quan hệ tình dục đồng giới. Hầu hết đều lây bệnh liên quan đến hoạt động tình dục. Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại rằng nếu đợt bùng phát hiện nay không được quản lý kịp thời, virus đậu mùa khỉ có thể lây lan ra ngoài nhóm này và có thể trở thành dịch bệnh lưu hành ở nhiều quốc gia hơn. Ngày 23/7, Tổ chức Y tế Thế giới đã ban bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu đối với bệnh đậu mùa khỉ.

Bà Orkin nói thêm: “Trong bối cảnh toàn cầu bị hạn chế về nguồn cung vaccine và thuốc kháng virus đối với căn bệnh nhiệt đới thường bị bỏ qua này, phòng ngừa vẫn là một công cụ quan trọng để hạn chế bệnh đậu mùa khỉ lây lan ở người”.

Từ trước đến nay, bệnh đậu mùa khỉ chủ yếu lưu hành ở Trung Phi và Tây Phi nhưng từ tháng 5 vừa qua, bệnh đã xuất hiện ở bên ngoài 2 khu vực này và bắt đầu lây lan nhanh. Kể từ tháng 5 đến nay đã có trên 16.000 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ ở 78 nước.

Đặc điểm mới về nhân khẩu học của nhóm người mắc đậu mùa khỉ

Bà Orkin và một nhóm nhiều đồng nghiệp đã đóng góp dữ liệu về 528 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ được xác nhận ở 16 quốc gia trong khoảng thời gian từ ngày 27/4 đến ngày 24/6.

Trong số đó, có một người chuyển giới, còn lại đều là nam giới. Không có phụ nữ nào trong loạt ca bệnh này, mặc dù có vài chục phụ nữ mắc bệnh đậu mùa khỉ ở một số quốc gia. Cũng không có trẻ em nào trong loạt ca bệnh này, nhưng thế giới cũng một số ít trẻ em mắc bệnh.

3/4 các ca bệnh là người da trắng, 12% là người Latinh, 5% là người da đen và 4% thuộc chủng tộc lai. Tuổi trung bình là 39 tuổi. Đáng lưu ý, 56 người trên 50 tuổi và 9% trong số đó đã được chủng ngừa bệnh đậu mùa, cho thấy rằng việc tiêm chủng trước đó không có tác dụng bảo vệ hoàn toàn.

Hơn 40% nhiễm HIV. Trong số những người âm tính với HIV hoặc không rõ tình trạng, có 57% đang sử dụng phương pháp điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP).

Hầu hết nam giới dương tính với HIV (96%) đều đang điều trị bằng thuốc kháng virus và phần lớn dùng thuốc ức chế tích hợp. Hầu hết đều kiểm soát tốt HIV trong cơ thể. Tỷ lệ người dương tính với HIV trong báo cáo này dường như cao hơn tỷ lệ nhiễm HIV trong số nam giới quan hệ tình dục đồng giới nói chung. Hiện không biết liệu việc nhiễm HIV có thể liên quan đến xu hướng dễ mắc bệnh đậu mùa ở khỉ hay không.

Bà Laura Waters, Chủ tịch Hiệp hội HIV Anh, cho biết: “Mặc dù những người nhiễm HIV chiếm hơn 40% các trường hợp đậu mùa khỉ cho đến nay, nhưng có thể yên tâm rằng tình trạng nhiễm HIV không liên quan đến mức độ nghiêm trọng của bệnh đậu mùa khỉ”.

Đặc điểm mới của quá trình lây truyền bệnh đậu mùa khỉ

Hầu hết các cá nhân trong loạt ca bệnh này cho biết họ là người đồng tính (96%), 2% là song tính và 2% được xác định là dị tính. Theo các tác giả nghiên cứu, họ nghi ngờ virus lây truyền qua hoạt động tình dục trong 95% các trường hợp này.

Các ban đỏ nổi trên tay một bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh: Shutterstock/TTXVN

Virus đậu mùa khỉ lây truyền qua tiếp xúc gần gũi, như tiếp xúc da, hôn và các giọt bắn đường hô hấp ở khoảng cách gần, nhưng nó không lây lan trong không khí ở khoảng cách xa hơn như virus gây COVID-19.

Bệnh đậu mùa khỉ có khả năng lây lan qua quần áo, giường chiếu hoặc các bề mặt tiếp xúc với chất dịch từ vết thương, nhưng điều này dường như ít phổ biến hơn nhiều. Người ta vẫn chưa biết liệu bệnh đậu khỉ có lây truyền trực tiếp qua đường tình dục qua tinh dịch hoặc dịch âm đạo hay không, nhưng nó lây lan qua tiếp xúc với vết loét khi quan hệ tình dục.

Trước khi bùng phát dịch bệnh như hiện nay, bệnh đậu khỉ không dễ dàng lây truyền từ người sang người, nhưng mạng lưới tình dục của những người đồng tính nam đã tạo ra cơ hội để virus lây truyền nhanh chóng.

Trên thực tế, quan hệ tình dục là con đường lây truyền bị nghi ngờ phổ biến nhất trong loạt trường hợp này (95%). Khoảng 1/4 ca bệnh đã tiếp xúc gần gũi với một người mắc bệnh đậu mùa khỉ.

Những người mắc bệnh đậu mùa khỉ trong nghiên cứu trên cũng có nhiều yếu tố nguy cơ tình dục.
Những người mắc bệnh đậu mùa khỉ trong nghiên cứu trên cũng có nhiều yếu tố nguy cơ tình dục.

Các triệu chứng mới

Hầu hết những người mắc bệnh đậu mùa khỉ đều được chẩn đoán tại các phòng khám HIV, phòng khám sức khỏe tình dục hoặc khoa cấp cứu. Chỉ 23 người có tiền sử phơi nhiễm đủ rõ ràng để xác định thời gian ủ bệnh, dao động từ 3 đến 20 ngày. Hầu hết (97%) có xét nghiệm dương tính khi lấy mẫu dịch ở da hoặc tổn thương vùng hậu môn sinh dục. Ngoài ra, một số có kết quả xét nghiệm PCR dương tính với mẫu máu (7%), nước tiểu (3%) và tinh dịch đồ (5%).

Tuy nhiên, ông John Thornhill tại Đại học Queen Mary lưu ý rằng điều này có thể là ngẫu nhiên vì họ không biết rằng virus hiện diện ở mức đủ cao để tạo điều kiện lây truyền qua đường tình dục.

Hầu hết tất cả mọi người mắc bệnh đậu mùa khỉ (95%) đều phát ban hoặc tổn thương, bao gồm 73% bị tổn thương ở hậu môn hoặc bộ phận sinh dục, 55% bị tổn thương ở cơ thể hoặc tay chân, 41% bị tổn thương niêm mạc (chủ yếu là hậu môn, cổ họng hoặc cả hai), 25% có tổn thương ở mặt và 10% có tổn thương ở lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân; nhưng có 28 người không phát triển thương tổn. Ngoài ra, 75 người (14%) cho biết bị viêm tuyến tiền liệt hoặc viêm trực tràng. Các triệu chứng phổ biến khác gồm sốt (62%), sưng hạch bạch huyết (56%), mệt mỏi (41%), đau cơ (31%), nhức đầu (27%) và đau họng (21%).

Một số người có các triệu chứng khác với các định nghĩa y tế hiện nay về bệnh đậu mùa khỉ, như các vết loét đơn lẻ ở bộ phận sinh dục, vết loét trên hoặc bên trong miệng hoặc hậu môn. Trong một số trường hợp, các triệu chứng này giống với các bệnh lây truyền qua đường tình dục thông thường, có thể dẫn đến chẩn đoán sai. Một số người đã mắc cả bệnh đậu mùa khỉ và bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Trong loạt trường hợp thuộc nghiên cứu nói trên, 70 người (13%) phải nhập viện, chủ yếu là để điều trị chứng đau trực tràng dữ dội (21 người), nhiễm trùng mô mềm (18 người) hoặc đau họng gây khó nuốt (5 người).

Không có trường hợp tử vong nào trong loạt trường hợp này. Cho đến nay, đã có 5 trường hợp tử vong do bệnh đậu mùa khỉ trong năm nay, tất cả đều ở các nước châu Phi.

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện