Báo chí và Cuộc sống

Đài PTTH Nghệ An tập trung đẩy nhanh chuyển đổi số

16:49, 05/04/2022
Trong thời qua, Đài Phát thanh, Truyền hình Nghệ An (Đài NTV) đã xác định chuyển đổi số là giải pháp duy nhất cho sự phát triển bền vững của Đài PTTH cấp tỉnh. Đây chính là nền tảng quan trọng để Đài thực hiện chuyển đổi số theo đúng tinh thần chương trình chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ, cũng như khẳng định được vai trò là cơ quan truyền thông chủ lực, chính thống, là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Nghệ An.
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Xuân Thủy làm việc với Đài PTTH Nghệ An.
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Xuân Thủy làm việc với Đài PTTH Nghệ An.

Quyết tâm chuyển đổi số theo tinh thần chuyển đổi số quốc gia 

Qua 6 năm thực hiện Đề án “Phát triển Đài NTV ngang tầm Đài Phát thanh, Truyền hình (PTTH) khu vực giai đoạn 2014 - 2020”, Đài NTV đã không ngừng nỗ lực, thay đổi tư duy quản lý, phương thức thức tác nghiệp, xu hướng báo chí đa nền tảng; đầu tư hạ tầng sản xuất phát sóng chương trình... đã tạo bước chuyển mình rõ nét, thu hút đông đảo người xem.

Đứng trước yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Ban lãnh đạo Đài đã xác định cần phải thay đổi toàn diện từ mô hình quản trị, đầu tư công nghệ hiện đại, đào tạo và đào tạo lại đội ngũ phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên theo kịp được với phương thức làm báo đa nền tảng.

Bởi vậy, Đài NTV đã tập trung ứng dụng công nghệ số vào hoạt động của mình, làm thay đổi các quy trình, từ mô hình quản trị khép kín quá trình tổ chức sản xuất đến phát sóng các chương trình PTTH trên nền tảng số, tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật sản xuất chương trình, truyền dẫn phát sóng theo tiêu chuẩn số hoá…

Việc ứng dụng công nghệ số để quản lý nội dung các đề tài tránh trùng lặp, đánh giá đúng và sát nhu cầu của người xem, bám sát nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước và bám sát hơi thở của cuộc sống xã hội; Ứng dụng công nghệ số trong việc nắm bắt kịp thời các nhiệm vụ chính trị, các thông tin tuyên truyền từ các cơ quan lãnh đạo, các cơ quan phụ trách để có thể nhanh chóng tiếp cận nội dung một cách kịp thời, chính xác; việc lưu trữ và khai thác sử dụng tư liệu; ứng dụng các công nghệ nền tảng, phần mềm và sử dụng kho dữ liệu số hóa để nâng cao tốc độ khai thác thông tin, biên tập, sản xuất tin, bài và giúp các phóng viên, biên tập viên dễ dàng tác nghiệp từ xa và sản xuất cùng lúc các loại hình đa phương tiện; Ứng dụng công nghệ số trong việc tổng hợp, hệ số các chương trình hàng ngày nhằm đánh giá được chất lượng tác phẩm, hiệu quả công việc của phóng viên, biên tập viên, người lao động một cách công bằng, chính xác…

Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Xuân Thủy thăm trường quay Đài NTV.
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Xuân Thủy thăm trường quay Đài NTV.

Hiện nay, Đài NTV đã nỗ lực khai thác khá hiệu quả Internet và mạng xã hội để nối dài cánh sóng, chuyển tải thông tin nhanh nhất đến khán, thính giả, độc giả. Đài đã nỗ lực xây dựng, quản lý và cập nhật kho nội dung các chương trình của Đài trên nền tảng Internet.

Giám đốc Đài PTTH Nghệ An Trần Minh Ngọc cho biết: Tính đến 02/2022, hệ thống các nền tảng số của Đài NTV gồm có: Trang TTĐT truyenhinhnghean.vn đã có 75 triệu lượt truy cập, 2 kênh Youtube Truyền hình Nghệ An, Nghệ An TV có trên 550.000 lượt đăng ký, mỗi tháng thu hút hơn 5 triệu lượt xem và 10.000 lượt đăng ký; 2 trang Fanpage truyền hình Nghệ An, Nghệ An TV đã có hơn 220 triệu lượt tiếp cận với 20 triệu lượt tương tác, hơn 210 triệu lượt xem video; 01 kênh Tiktok được thành lập từ giữa năm 2021 đến nay đã có 230.000 lượt đăng ký, 2 triệu lượt thích; 01 APP NTVgo; 01 ứng dụng NTVgo đã có trên 18.000 lượt cài đặt, hơn 250.000 lượt xem trên APP.  

“Có thể khẳng định rằng, qua 6 năm thực hiện Đề án “Phát triển Đài NTV ngang tầm Đài PTTH khu vực giai đoạn 2014 - 2020”, hạ tầng sản xuất phát sóng chương trình của Đài đã được hiện đại hoá, tăng cường, bổ sung. Đây chính là nền tảng quan trọng để Đài NTV thực hiện chuyển đổi số theo đúng tinh thần chương trình chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ. Đài cũng đã khẳng định được vai trò là cơ quan truyền thông chủ lực, chính thống, là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nghệ An”, ông Trần Minh Ngọc khẳng định. 

Cụ thể hóa Chiến lược lĩnh vực PTTH và TTĐT giai đoạn 2021 - 2025

Để tiếp tục thực hiện chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của cơ quan báo chí chủ lực của tỉnh; đảm bảo việc thực hiện kế hoạch chuyển đổi số trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình theo Chiến lược lĩnh vực Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử giai đoạn 2021-2025 của Bộ Thông tin và Truyền thông; ngày 13/4/2021, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Đề án phát triển Đài PTTH Nghệ An theo hướng chuyển đổi số giai đoạn 2021- 2025. Theo đó, đến năm 2025, NTV sẽ trở thành một đài địa phương được chuyển đổi hoàn toàn sang số từ nội dung đến kỹ thuật công nghệ, quy trình quản lý điều hành, khai thác và quản lý dữ liệu. Có tầm ảnh hưởng, sức lan toả mạnh mẽ trong khu vực và cả nước, NTV sẽ nằm trong Top 10 Đài PTTH mạnh nhất Việt Nam cả về chất lượng nội dung chương trình, cơ sở vật chất trang thiết bị công nghệ, tiềm lực tài chính và chất lượng nguồn nhân lực.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn trao Cờ Thi đua của Bộ TT&TT Đài NTV vì có thành tích xuất sắc dẫn đầu phong trào thi đua.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn trao Cờ Thi đua của Bộ TT&TT cho NTV vì có thành tích xuất sắc dẫn đầu phong trào thi đua.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ chuyển đổi số, Đài NTV đã đưa ra 8 nhóm giải pháp trọng tâm: Nâng cao chất lượng nội dung trên các kênh truyền hình và phát thanh truyền thống, đồng thời sử dụng hiệu quả hạ tầng số (Website Truyenhinhnghean.vn; Trang Fanpage: Truyền hình Nghệ An; kênh Youtube: Nghệ An TV và app NTVgo; Zalo Nghệ An TV; Tiktok: NgheanTv); Nâng Trang TTĐT Truyenhinhnghean.vn thành báo điện tử truyenhinhnghean.vn vào năm 2025; đổi mới quy trình quản lý nội dung, quản lý dữ liệu và phối hợp trong sản xuất chương trình; đầu tư công nghệ tiên tiến, hiện đại theo tiêu chuẩn 4K/UHDTV, 5G; Nâng cao năng lực sản xuất, phân phối nội dung trên đa nền tảng số và xây dựng cơ quan điện tử số theo mô hình tòa soạn hội tụ; Mở rộng dịch vụ ứng dụng công nghệ thông tin, truyền dẫn phát sóng phát thanh - truyền hình; Xây dựng dự án trường quay ngoài trời của Đài PTTH Nghệ An tại xã Nghi Đức, thành phố Vinh; Tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Tích cực xã hội hóa, khai thác tốt các nguồn tài chính để đầu tư nâng cao chất lượng chương trình, hiện đại hóa cơ sở vật chất và trang thiết bị, đảm bảo thu nhập cho cán bộ, viên chức và người lao động.

Ban Giám đốc Đài NTV trao giải Vàng cho các tác giả, nhóm tác giả tại Liên hoan PTTH Nghệ An năm 2021.
Trao giải Vàng cho các tác giả, nhóm tác giả tại Liên hoan PTTH Nghệ An năm 2021.

Giám đốc Đài PTTH Nghệ An Trần Minh Ngọc chia sẻ: Đài Nghệ An đang đẩy mạnh việc triển khai đề án tự chủ chi thường xuyên từ năm 2022 theo tinh thần “tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung chương trình; Tuyên truyền các Nghị quyết, chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước tới nhân dân; phản ánh toàn diện các hoạt động chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh của tỉnh; là cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể với Nhân dân”.

Mặt khác, mở rộng không gian và nội dung phản ánh các vấn đề có tính quốc gia và khu vực. Tích cực sản xuất các chương trình cho Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và một số Đài tỉnh, thành phố nhằm quảng bá sâu rộng về lịch sử, văn hoá xứ Nghệ, những thành tựu về kinh tế - xã hội và cơ hội đầu tư phát triển của Nghệ An tới cả nước và thế giới.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, tính đến năm 2030, Đài NTV đã đưa ra định hướng cụ thể về công nghệ kỹ thuật; xây dựng và hoàn thiện các hệ thống sản xuất đa nền tảng theo hướng cho phép sản xuất chương trình phân phối cho phát sóng trên nền tảng truyền thống như hiện nay (cáp, vệ tinh, mặt đất) và sản xuất chương trình cho phân phối trên các nền tảng internet gồm website, OTT, mạng xã hội (social media), Youtube. Đặc biệt, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 gồm điện toán đám mây (Cloud), truyền dẫn thế hệ mới 5G và trên nền tảng IP, trí tuệ nhân tạo (AI),... vào sản xuất, kiểm duyệt, quản lý, lưu trữ chương trình của Đài cho phép giúp rút ngắn thời gian sản xuất và tiết kiệm chi phí. Từ năm 2022 trở đi, Đài NTV sẽ tổ chức sản xuất và kinh doanh các sản phẩm phát thanh - truyền hình trên tất cả các nền tảng số.

Phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên Đài NTV tác nghiệp trong một chương trình truyền hình.
Phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên Đài NTV tác nghiệp trong một chương trình truyền hình.

Cũng theo Giám đốc Đài NTV Trần Minh Ngọc, để chuyển đổi số thành công cần bám sát Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành và các văn bản chỉ đạo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông để phối hợp với các Sở, Ban, ngành liên quan tham mưu cho Tỉnh uỷ, UBND tỉnh trong việc xây dựng, ban hành kế hoạch, đề án về chuyển đổi số theo lộ trình của Chính phủ.

Đồng thời, quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đổi mới trong giai đoạn chuyển đổi số; quan tâm ưu tiên đầu tư trang thiết bị kỹ thuật hiện đại theo hướng tích hợp đa kỹ năng trong điều kiện kỹ thuật và công nghệ truyền thông số; kỹ năng kết nối truyền thông, kết nối thông tin xã hội; đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong công tác quản lý điều hành, tổ chức sản xuất, phát sóng, lưu trữ tư liệu…

Bên cạnh đó, Giám đốc Đài NTV Trần Minh Ngọc cũng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông có hướng dẫn, quy định thống nhất cho UBND các tỉnh đầu mối đặt hàng sản xuất các chương trình phát thanh, truyền hình trực tiếp với Đài PT&TH tỉnh (không qua đơn vị trung gian); trình Chính phủ quan tâm đầu tư kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện chuyển đổi số cho các tỉnh có địa bàn miền núi rộng và hỗ trợ nhân dân đồng bào vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới.

Theo mic.gov.vn

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện