Đất và người Xứ Nghệ

Đặc sắc lễ rước Thái phó Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan tại lễ hội “Thập niên sự lễ” 

16:09, 23/04/2024
"Thập niên sự lễ" (10 năm tổ chức 1 lần lễ) là lễ hội lịch sử văn hóa nhằm tri ân công lao của Thái phó Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan (1521 - 1576) cùng các đại thần là hậu duệ của dông họ Nguyễn Cảnh tại đền thờ Nguyễn Cảnh Hoan, xã Tràng Sơn, huyện Đô Lương - Nghệ An. Đặc sắc của lễ hội là lễ rước Thái phó Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan từ đền đến đền Đức Hoàng và chùa Phúc Mỹ tại xã Yên Sơn- Đô Lương.
 Đoàn rước xuất phát từ đền thờ Nguyễn Cảnh Hoan.

Lễ hội “Thập niên sự lễ” xuất hiện cách ngày nay hơn 4 trăm năm, xuất phát từ quy định của các bậc tiền nhân dòng họ Nguyễn Cảnh, 10 năm tổ chức đại lễ 1 lần từ ngày 13 đến 15 tháng 3 âm lịch của các năm "Giáp" (năm dứng đầu của mỗi can). Từ khi được tổ chức lần đầu đến nay, chỉ có 3 kỳ (1954, 1964, 1974) Thập niên sự lễ bị gián đoạn do chiến tranh, đến năm 1984, dòng họ Nguyễn Cảnh lại phục hồi và duy trì cho đên ngày nay.

 Đoàn xe ô tô vận chuyển “đàn voi chiến”.

Lễ hội được tổ chức có sự kết hợp của chính quyền địa phương và dòng họ Nguyễn Cảnh, với chuẩn bị chu đáo từ 3 tháng trước, từ khâu phục dựng trang phục, mũ, hia, ngai, kiệu của Ngài chuẩn bị sắc phong, phướn, voi (đổi với chi phái có quận công), ngựa bằng giấy đến trang phục của các đoàn rước.

 Cùng với voi chiến là những chú “Tuấn mã” đẹp mắt.
Rước kiệu Thái Phó Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan.

Linh hồn của lễ hội "Thập niên sự lễ" là đám rước hoành tráng với chiều dài hơn 1 km được biên chế theo đội hình truyền thống: Võ lệnh đi trước mở đường, cờ phướn giương oai, voi ngựa đốc chiến, sắc phong thể hiện công trạng, kiệu Thánh ngự lồng lộng oai linh Thái Phó Tấn Quốc Công cùng các sắc diện "binh hùng, tướng mạnh" đan xen trong đội hình dương cao binh khí đã làm sống lại các ước lệ ngàn xưa của không khí đất nước vệ quốc, của dòng họ Nguyễn Cảnh mang đậm tính truyền thống "Trung cần nhân nghĩa, “Bảo quốc hộ dân". 

Đoàn rước Sắc phong do các triều đại vua ban cho đền Nguyễn Cảnh Hoan.

Đặc biệt ở đám rước này độc đáo là chi toàn hậu duệ huyết thống Nguyễn Cảnh được biên chế tham gia các đội hình đám rước. 

Đoàn rước kéo dài hơn 1km.

Đoàn rước sẽ đi qua nhiều điểm, trong đó, sẽ dừng chân dâng hương tại đền Đức Hoàng - thờ vua Lê Trang Tông, qua chùa Phúc Mỹ, với ý nghĩa thỉnh an cho các binh lính đã cùng chủ tướng vào sinh ra tử... Với số lượng đông đảo con cháu cùng những người dân tham gia và những người dân hiếu kỳ đứng 2 bên đường, những nơi đoàn rước đi qua cùng cùng cờ, phướn, voi, ngựa, sắc phong ngợp trời, thêm âm nhạc từ phường bát âm làm cho không khí lễ hội rất náo nhiệt, rộn ràng, toàn vùng quê Đô Lương tràn ngập trong bầu không khí của lễ hội.

 Đoàn rước quay trở về đền Nguyễn Cảnh Hoan để làm lễ tế.

Đây là một nghi lễ mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Đức Thái phó Nguyễn Cảnh Hoan cũng như nhiều con cháu hậu duệ của Ngài là những vị tướng lĩnh cầm quân trên chiến trường, từng nhìn thấy biết bao binh lính, tướng tá tử trận nên việc lên chùa lễ Phật là một lời cầu nguyện cho linh hồn những binh sĩ được yên nghỉ. Đồng thời thông qua nghi lễ này giáo dục cho con cháu về sự hướng thiện trong cuộc sống. Sau khi hoàn thành đoàn rước về tại đền thờ Nguyễn Cảnh Hoan để tổ chức lễ tế.

Lễ tế tại chính điện đề Nguyễn Cảnh Hoan.
Nghi thức lễ được diễn ra đúng cổ lễ, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Trước đó, đêm 22/4, lễ hội thập niên sự lệ được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

Ngọc Phương

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện