Kinh tế

Nông dân Quỳnh Lưu thu nhập cao từ trồng rau thơm có giá trị dược liệu

19:22, 18/01/2024

Với hiệu quả kinh tế ổn định từ các loại cây rau thơm mang lại, nhiều hộ nông dân ở xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu đã chuyển đổi một số diện tích canh tác cà chua, rau cải... sang trồng tía tô, kinh giới, húng quế nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của thị trường.

Toàn xã Quỳnh Văn hiện có 20 ha trồng các loại rau thơm.
Toàn xã Quỳnh Văn hiện có 20 ha trồng các loại rau thơm.

Với 500m2 đất làm màu trong vườn nhà, bà Lê Thị Thủy ở xã Quỳnh Văn thường trồng luân canh gối vụ các loại rau tía tô tím, kinh giới. Bà Thủy chia sẻ: Đây đều là những loại rau dễ trồng, dễ chăm sóc, ít xảy ra sâu bệnh. Cây chỉ sinh trưởng trong thời gian gần 1,5 tháng thì bắt đầu cho hái lá kéo dài 4 – 5 tháng.

Toàn xã Quỳnh Văn hiện có 20 ha trồng các loại rau thơm
Rau tía tô vừa là rau gia vị vừa có giá trị làm đẹp và có lợi cho sức khỏe 

Sản phẩm sau thu hoạch được bà đưa đi chợ bán và thương lái vào tận nhà thu mua. Thời điểm tía tô có giá cao nhất 6.000 – 7.000 đồng/bó, một đêm cắt bán cho bà thu nhập 700 – 800 nghìn đồng, có lúc lên đến 1 triệu đồng. Khi giá xuống thấp nhất, mỗi ngày với 100 bó, bà cũng thu về 200 nghìn đồng.

Rau tía tô vừa là rau gia vị vừa có giá trị làm đẹp và có lợi cho sức khỏe
Sản phẩm sau thu hoạch được bà đưa đi chợ bán và thương lái vào tận nhà thu mua. 

Từ biện pháp trồng gối vụ nên 20 ngày/tháng, bà đều có sản phẩm rau thơm để bán.

Người dân thường để dành một luống các loại rau thơm cho ra hoa lấy hạt phục vụ gieo trồng vụ sau
Người dân thường để dành một luống các loại rau thơm cho ra hoa lấy hạt phục vụ gieo trồng vụ sau

Để có sẵn hạt giống phục vụ cho việc gieo trồng quanh năm của gia đình, vào mùa lạnh cây tía tô, kinh giới trỗ hoa, bà Thủy thường để lại một luống để lấy hạt.

Theo kinh nghiệm của bà, đặc tính của loại hạt giống này là chỉ cần phơi trong nắng nhẹ, sau 2 – 3 nắng thì gói bọc cẩn thận bằng giấy báo rồi cất trữ trong tủ lạnh, nhằm mục đích hút độ ẩm. Trước khi gieo trồng một vụ mới, bà lấy hạt giống ra để ngoài môi trường 30 phút, rồi mới được gieo vào đất thì tỷ lệ nãy mầm sẽ cao.

Người dân thường trồng gối vụ các loại rau trên một thửa đất
Người dân thường trồng gối vụ các loại rau trên một thửa đất

Gia đình bà Hồ Thị Lần – ở xóm 9, xã Quỳnh Văn trồng cũng trồng 1,5 sào rau quế, tía tô. Nhờ bổ sung chất dinh dưỡng cho cây từ phân, lân, đạm phù hợp với từng giai đoạn, thời kỳ sinh trưởng và cách tưới nước khoa học nên cây trồng của gia đình bà phát triển nhanh, luôn xanh tốt. Chỉ cần 1 lần trồng nhưng cây rau quế cho bà thu hoạch liên tục từ 2 – 3 năm, sau đó mới hủy để trồng lứa cây mới. Hơn nữa loại cây này ít có sâu ăn lá nên bà không phải sử dụng thuốc hóa học, tốn ít chi phí đầu tư.

Tuy giá cả có biến động ở các thời điểm khác  nhau nhưng thu nhập từ trồng quế khá ổn định. Lại rau gia vị này luôn duy trì ở mức giá từ 2.000 – 4.000 đồng/bó, cho bà thu về bình quân 2 triệu đồng/tuần.

Trồng rau thơm cho giá trị kinh tế tương đối ổn định
Trồng rau thơm cho giá trị kinh tế tương đối ổn định

Toàn xã Quỳnh Văn hiện có 20 ha trồng các loại rau thơm như tía tô, húng quế, kinh giới, rau mùi, rau má... Một số diện tích được người dân trồng ngoài đồng, còn phần lớn đều được canh tác trong vườn nhà.

Ông Nguyễn Thế Lai – Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Văn cho biết: Rau thơm tuy kinh tế không vượt trội như cà chua, rau cải nhưng có thu nhập ổn định, dễ chăm sóc, ít phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Bên cạnh đó, việc thu hoạch cũng nhẹ nhàng hơn so với các loại cây trồng khác. Bình quân trong năm 2023, 1 sào tía tô đạt giá trị  40 – 50 triệu đồng; húng quế 30 – 40 triệu đồng. Đối với rau mùi, một đợt gieo trồng 2 tháng cho bà con thu nhập 7 – 8 triệu đồng/ sào.

Ngoài sử dụng trong nấu ăn, tía tô, kinh giới, húng quế còn là những cây dược liệu tốt cho sức khỏe và làm đẹp. Đặc biệt qua tìm hiểu nhiều tài liệu, trong Đông y còn sử dụng các loại cây rau thơm này để làm vị thuốc chữa được nhiều bệnh khác nhau.

Từ những giá trị cây trồng này đem lại, hiện tại một số hộ gia đình xã Quỳnh Văn đang có xu thế trồng thử nghiệm các loại rau thơm trên từng cánh đồng để thay thế một số loại rau màu kém hiệu quả, nhằm nâng cao giá trị trên từng đơn vị diện tích./.

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện