Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Cẩn trọng với những bệnh nguy hiểm do nắng nóng

08:10, 22/06/2019
Nắng nóng tác động rất nhiều đến sức khỏe người dân, gây ra các bệnh lý nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng.

Những ngày này, nắng nóng trải dài khắp các tỉnh, thành phố, có nơi nhiệt độ lên trên 40 độ C, đến tối vẫn còn oi bức.

Theo dự báo, nắng nóng sẽ tiếp tục mở rộng và kéo dài ở khu vực Bắc bộ và Trung bộ đến hết tuần sau. Nhiệt độ cao nhất phổ biến 38-40 độ C, có nơi trên 40 độ C. Nắng nóng tác động rất nhiều đến sức khỏe người dân, gây ra nhiều bệnh nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng.

Đột quỵ

PGS.TS Nguyễn Văn Chi - Phó trưởng khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, cho biết thời tiết nắng nóng là yếu tố thuận lợi làm gia tăng đột quỵ.

"Đột quỵ phải có yếu tố nguy cơ, các điều kiện mới xảy ra. Các yếu tố nguy cơ phải kể đến cao huyết áp, tiểu đường, mỡ máu, rối loạn nhịp tim, hút thuốc lá, lạm dụng bia rượu, béo phì... Nếu bệnh nhân có nhiều yếu tố nguy cơ, gặp điều kiện thờ tiết nắng nóng, dễ bị đột quỵ”, bác sĩ Chi cho biết.

Bên cạnh đó, thời tiết nóng bức sẽ gây căng thẳng, khó chịu, người bệnh quên uống thuốc, ngại đi khám..., dễ khiến bệnh tăng nặng. Đặc biệt, đột quỵ không phải chỉ gặp ở người già, nhiều bệnh nhân trẻ tuổi cũng mắc phải, nhất là những người không kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ.

Người lao động ngoài trời cần nghỉ ngơi thích hợp, bổ sung nước hợp lý.

Bệnh nhân đột quỵ do nắng nóng có một số triệu chứng như nhiệt độ cơ thể có thể lên 40 độ C, ngất xỉu hoặc đau đầu, chóng mặt, choáng váng, không có mồ hôi dù cơ thể rất nóng. Da bệnh nhân đỏ, nóng và khô, chuột rút, tê người, buồn nôn, nhịp tim nhanh, thở nông, thay đổi hành vi như rối loạn, mất phương hướng, phát cơn động kinh,...

Nếu bạn nghi ngờ ai đó bị một cơn đột quỵ do nắng nóng hãy gọi cấp cứu ngay lập tức hoặc chuyển nạn nhân tới bệnh viện.Trong khi chờ cấp cứu, bạn có thể đưa nạn nhân vào một nơi râm mát, cởi bỏ bớt quần áo.

Để phòng bệnh, khi nhiệt độ ngoài trời cao, người cao tuổi nên hạn chế ra ngoài trời vào những lúc nắng gắt. Người có bệnh tim mạch, dùng máy điều hòa chỉ khống chế nhiệt độ ở khoảng 27 độ C, chênh lệch trong và ngoài phòng không nên được vượt quá 7 độ C.

Ngoài ra, người dân cần phải chú ý thường xuyên bổ sung nước, đề phòng máu tăng đặc dẫn tới hình thành huyết khối (cục máu đông), tập thói quen không khát cũng phải uống đủ nước.

Các chuyên gia khuyến cáo mọi người thường muốn uống rượu, bia để giải nhiệt nhưng điều này hoàn toàn sai lầm. Khi nắng nóng, bạn nên hạn chế rượu bia hoặc cà phê bởi các chất cồn và caffein sẽ làm bạn bị mất nước, dễ bị đột quỵ hơn.

Sảng nhiệt

Bác sĩ Phạm Văn Hoàng - Trưởng Khoa khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết khi tiếp xúc với ánh nắng từ 10-50 phút, cơ thể sẽ xảy ra các xáo trộn như mất nước, rối loạn điện giải, rối loạn tuần hoàn. Các triệu chứng thường gặp là hoa mắt, chóng mặt, ngất xỉu, thậm chí có thể gây tổn thương não.

"Bệnh viện Nhi đồng 1 từng tiếp nhận một trường hợp bệnh nhi tử vong vì sảng nhiệt do đưa đến viện quá muộn. Nếu phát hiện trẻ bị sảng nhiệt, sốc nhiệt, phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ vào nơi mát mẻ để hạ nhiệt, cho trẻ uống nước mát, không chườm đá. Nếu tình trạng nặng, gia đình phải đưa trẻ đến bệnh viện", bác sĩ Hoàng nói.

Trong trường hợp xấu nhất như sốc nhiệt, đột quỵ có thể gây ngừng tuần hoàn, người dân phải tiến hành cấp cứu bằng cách hà hơi, ép tim trong suốt quá trình đợi xe cấp cứu, đưa bệnh nhân đến bệnh viện. Cấp cứu đúng cách sẽ tăng cơ hội sống cho người bệnh.

Bệnh lý đường hô hấp

Dưới tác động của nắng nóng và tia cực tím, sức đề kháng của cơ thể giảm. Đặc biệt, trẻ em dễ mắc các bệnh lý hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản (chiếm hơn 20%) và các bệnh tiêu hóa (chiếm 10%).

Bên cạnh đó, thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, cho thấy số lượng trẻ mắc sởi, tay chân miệng, sốt xuất huyết cũng có xu hướng tăng. Từ đầu năm đến nay trên địa bàn có 2.168 trẻ mắc tay chân miệng, trong đó có 450 bé phải nhập viện điều trị, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

GS.TS Nguyễn Văn Chi khuyến cáo, người dân cần tránh ra ngoài trong thời gian từ 12-16h hàng ngày. Đây là thời điểm nắng gắt và tia cực tím mạnh nhất.

Phụ huynh cũng nên cho trẻ uống nhiều nước, bổ sung điện giải để tránh suy kiệt và mắc bệnh. Ngoài ra, phụ huynh cần tăng cường các loại nước trái cây, rau củ trong bữa ăn của trẻ, bổ sung vitamin, bảo quản thực phẩm cẩn thận, tránh bị ôi thiu. Bác sĩ Hoàng cảnh báo phụ huynh không nên chủ quan các biểu hiện của trẻ như ho, sốt, sổ mũi, nếu để kéo dài không điều trị có thể khiến bệnh tình nặng hơn.

Theo Zing

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện

    Xem thêm