Thế giới

Đức, Thụy Điển sẽ gửi 7.000 vũ khí chống tăng cho Ukraine

10:39, 24/03/2022
Ngày 23/3, Thụy Điển và Đức đều thông báo sẽ gửi hàng nghìn vũ khí chống tăng tới Ukraine.
Một người lính cầm máy phóng tên lửa chống tăng Panzerfaust tại khu huấn luyện quân sự Munster ở Lower Saxony, Đức. Ảnh: Getty Images
Một người lính cầm máy phóng tên lửa chống tăng Panzerfaust tại khu huấn luyện quân sự Munster ở Lower Saxony, Đức. Ảnh: Getty Images

Theo đài RT, cả hai quốc gia đã gửi cho Ukraine rất nhiều vũ khí chống tăng.

Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde cho biết nước này sẽ gửi 5.000 vũ khí chống tăng cho Ukraine ngoài 5.000 vũ khí đã gửi trước đó.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht đã yêu cầu lực lượng vũ trang cung cấp cho Ukraine 2.000 súng phóng lựu chống tăng vác vai từ kho dự trữ của nước này.

Quân đội Đức thiếu đạn dược, trang thiết bị và thậm chí cả ủng. Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock nói với các nhà lập pháp Đức rằng mặc dù quân đội của nước này thiếu nguồn cung, nhưng chính phủ sẽ thúc đẩy các nhà sản xuất vũ khí giao nhiều hàng hơn.

Cả hai nước nói trên đã cam kết tăng chi tiêu quốc phòng sau khi chiến tranh bùng nổ ở Ukraine. Thụy Điển đã tăng đều đặn ngân sách quân sự kể từ năm 2014 và gần đây tuyên bố sẽ tăng chi tiêu lên mức 2% GDP càng sớm càng tốt, tức là tăng khoảng một phần ba so với mức hiện tại.

Tháng trước, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng tuyên bố sẽ tăng chi tiêu quốc phòng lên 2% GDP và đầu tư 113 tỷ USD vào vũ khí, như máy bay không người lái của Israel và máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ.

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã giao nhiệm vụ cho các thành viên là chi tiêu tối thiểu 2% GDP cho quốc phòng, một mục tiêu mà nhiều nước không đạt được.

Không giống Đức, Thụy Điển không phải là thành viên của NATO và chính phủ nước này đã nói rằng họ có ý định vẫn đứng ngoài liên minh.

Hiện vẫn chưa rõ Đức và Thụy Điển sẽ chuyển giao vũ khí cho Ukraine khi nào và như thế nào.

Trước đó, ngày 19/3, Bộ trưởng Quốc phòng Canada Anita Anand thừa nhận rằng Canada đã cạn kiệt kho vũ khí sau khi viện trợ cho Ukraine. Canada là một trong những quốc gia phương Tây đã cung cấp cho Kiev vũ khí gây sát thương. Cho đến nay, nước này đã hoặc đang gửi 4.500 bệ phóng tên lửa, 7.500 lựu đạn cầm tay, 100 bệ phóng chống tăng với 2.000 viên đạn, hai máy bay vận tải đa năng C-130J và nhiều loại khác.

Bộ trưởng Quốc phòng Canada Anita Anand thông báo rằng ngoài việc gửi các hệ thống vũ khí chống tăng, đạn dược và các thiết bị quốc phòng như áo giáp và thiết bị nhìn đêm, Canada cũng sẽ gửi 1.600 chiếc áo chống đạn và khoảng 400.000 gói bữa ăn cá nhân.

Trong khi đó, Nga đã tuyên bố sẽ coi các đoàn xe cung cấp quân sự vào Ukraine là mục tiêu hợp pháp.

Trước đó, theo hãng tin TASS, ông Alexey Polishchuk - Vụ trưởng Vụ Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) thuộc Bộ Ngoại giao Nga - cảnh báo nguy cơ khi NATO cung cấp vũ khí cho Ukraine. Ông Polishchuk nhấn mạnh việc NATO cung cấp vũ khí cho Ukraine tạo ra nguy cơ không thể chấp nhận được, có thể dẫn đến xung đột giữa Nga và liên minh quân sự này.

Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cảnh báo các nước thành viên NATO về việc đưa lính đánh thuê đến Ukraine, cho rằng hành động này có thể là đồng phạm gây tội ác chiến tranh.

Trong khi đó, công ty vũ khí AMMO (Mỹ) ngày 5/3 thông báo sẽ gửi lô hàng gồm 1 triệu viên đạn tới Kiev. Giám đốc điều hành AMMO Fred Wagenhals cho biết công ty đang chờ Chính Mỹ phủ phê duyệt lô hàng 1 triệu viên đạn, trị giá 700.000 USD này, đồng thời chuẩn bị sẵn máy bay riêng để giao hàng.

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện