Thời sự - Chính trị

Khảo sát quản lý, sử dụng tài sản công sau sáp nhập tại Nam Đàn và Thanh Chương

11:44, 20/04/2022
Sau sáp nhập địa giới hành chính, ở các địa phương đang dôi dư một lượng lớn tài sản, trụ sở công. Tuy vậy, hướng xử lý vẫn còn nhiều vướng mắc, kéo dài, gây lãng phí lớn. Sáng 20/4, đoàn công tác của Thường trực HĐND tỉnh do đồng chí Nguyễn Nam Đình, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND làm trưởng đoàn đã đi khảo sát thực tế nội dung này tại huyện Nam Đàn và Thanh Chương
Đoàn công tác của HĐND tỉnh đã khảo sát thực tế tại thị trấn Nam Đàn.

Đoàn công tác của HĐND tỉnh đã khảo sát thực tế tại thị trấn Nam Đàn. Sau hơn 2 năm sáp nhập vào Thị trấn, trụ sở cũ của xã Vân Diên vẫn chưa có hướng xử lý khả quan. Với xấp xỉ 3000m2 cùng tài sản trên đất nhưng chưa có bìa, quy hoạch chưa được điều chỉnh nên người dân không thể mua và chuyển mục đích sử dụng. Hiện tại, ngoài để không, mỗi tháng ngân sách còn phải bỏ ra 1,5 triệu đồng thuê người bảo vệ. 

Quang cảnh buổi làm việc.

Thực tế, huyện Nam Đàn hiện có tổng số 363 tài sản, trụ sở cần lập phương án sắp xếp sau sáp nhập. Trong đó, tổng số tài sản dự kiến bán đấu giá tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất là 173 tài sản.

Lãnh đạo huyện Nam Đàn phát biểu tại buổi làm việc.

Cùng với trụ sở các xã, một số lượng lớn nhà văn hóa các khối, xóm dôi dư sau sáp nhập cũng đang bí và chậm có hướng xử lý vì các vướng mắc liên quan đến hồ sơ pháp lý cũng như chưa có sự tích cực, quan tâm chỉ đạo quyết liệt.

Đồng chí Nguyễn Nam Đình, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh phát biểu kết luận buổi làm việc.

Sau khi đi khảo sát tại thị trấn Nam Đàn và nghe địa phương trình bày các kiến nghị, đề xuất, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Nam Đình đề nghị huyện Nam Đàn nên có sự phân loại trong số 173 tài sản, trụ sở. Cụ thể, với những tài sản, trụ sở nào đầy đủ hồ sơ pháp lý nên sắp xếp riêng, đề xuất xử lý sớm. Huyện cần quan tâm đi sâu rà soát cụ thể từng hạng mục còn lại trong tờ trình để đề xuất với Sở Tài chính thẩm định và UBND tỉnh ra quyết định. Với các trụ sở khối xóm, cần họp dân lấy ý kiến, thống nhất phương án xử lý bằng văn bản trình cấp có thẩm quyền. Những phần việc này cần chỉ đạo quyết liệt để giải quyết sớm, tránh lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công và những bức xúc trong nhân dân.

Toàn cảnh buổi làm việc tại Thanh Chương.

Tiếp tục chương trình khảo sát, chiều nay đoàn công tác đã đi thực tế và làm việc với huyện Thanh Chương. Đây là địa phương có 3 xã được sáp nhập thành một xã; sáp nhập 487 xóm thành 210 xóm mới, giảm hơn 1/2 số xóm. Theo báo cáo từ địa phương, số lượng tài sản, trụ sở dôi dư sau sáp nhập gồm có 4 cơ sở nhà, đất thuộc các đơn vị sự nghiệp công lập;  1 trụ sở UBND xã; 2 trạm Y tế, 1 nhà trường và 5 nhà văn hóa xóm. Do cơ sở vật chất sau sáp nhập còn thiếu và chưa có sự đầu tư xây dựng mới nên hầu hết các tài sản, trụ sở cũ vẫn nằm trong kế hoạch sử dụng. Với các tài sản, trụ sở dôi dư có phương án thu hồi, đấu giá, ý kiến của Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Nam Đình cùng các thành viên trong đoàn đề nghị địa phương sớm hoàn thành rà soát, bổ sung các hồ sơ, thủ tục, đảm bảo đầy đủ tính pháp lý khi xử lý. Quan điểm và cách làm là tài sản, trụ sở nào hoàn thiện hồ sơ trước sẽ trình để giải quyết trước. Về lâu dài cũng cần xây dựng phương án cho các tài sản, trụ sở dôi dư nhưng đang phải sử dụng do cơ sở vật chất hiện tại chưa đảm bảo.

Đồng chí Nguyễn Nam Đình, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh phát biểu kết luận buổi làm việc tại Thanh Chương.

Cũng liên quan đến quản lý, sử dụng tài sản công trên địa bàn, huyện Thanh Chương kiến nghị các cơ quan thuộc các cơ quan TW đóng trên địa bàn sau khi chuyển sang trụ sở mới cần sớm bàn giao lại cho huyện các trụ sở cũ

Xuân Hướng - Cảnh Toàn

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện