UBND tỉnh họp thường kỳ tháng 8

14:50, 25/08/2022
Sáng 25/8, UBND tỉnh tổ chức họp phiên thường kỳ tháng 8/2022 đánh giá tình hình thực hiện các nhiệm vụ điều hành phát triển KT – XH; nghe và cho ý vào một số nội dung quan trọng. Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: các ngành và các cấp phải nỗ lực để tháo gỡ, thúc đẩy tăng trưởng sản xuất lĩnh vực công nghiệp; đẩy nhanh tốc độ giải ngân đầu tư công khi đã xuất hiện một số yếu tố làm chậm tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Toàn cảnh phiên họp thường kỳ tháng 8/2022 của UBND tỉnh. 

Trong tháng 8, các ngành, địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp đã đề ra để đạt được kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp giải ngân vốn đầu tư công; tiếp tục triển khai tiêm vaccine phòng Covid; tập trung chuẩn bị các điều kiện để triển khai năm học mới 2022 – 2023. Các ngành, địa phương cũng đang tập trung triển khai xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023.

Đồng chí Lê Hồng Vinh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu tại phiên họp. 

 Báo cáo của các sở, ngành cũng cho thấy, tăng trưởng kinh tế trong tháng 8 tiếp tục đà phục hồi trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là dịch vụ du lịch phục hồi nhanh. 8 tháng đầu năm, lượng khách du lịch ước đạt 5,52 triệu lượt, tăng 211% so với cùng kỳ năm 2021. Thu ngân sách nhà nước 8 tháng ước thực hiện trên 13.400 tỷ đồng, đạt gần 90% dự toán, bằng 108% so với cùng kỳ.

Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh kết luận phiên họp. 

 Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Chủ tịch UBND Nguyễn Đức Trung đánh giá: trong tháng 8 một số lĩnh vực như sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ tiếp tục có nhiều chuyển biến. Đặc biệt là khu vực dịch vụ - du lịch và thu ngân sách vượt so với kế hoạch đề ra; đến nay đã có 18/21 huyện hoàn thành kế hoạch thu ngân sách giao; duy trì tốt đà thu hút đầu tư. Các hoạt động văn hoá – xã hội được tổ chức có hiệu quả, tạo hiệu ứng lan toả; công tác an sinh, giải quyết việc làm khá hiệu quả. Cơ bản hoàn thành công tác tổng kết Nghị quyết 26 của Bộ chính trị về Nghệ An.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch UBND tỉnh cũng nêu rõ, báo cáo đã nêu một số khó khăn, hạn chế nhưng chưa phân tích, làm rõ những nguyên nhân cụ thể; đâu là khách quan, chủ quan. Từ đó tìm hướng để tháo gỡ. Về đầu tư công, Nghệ An nằm trong 18 địa phương có tiến độ giải ngân thấp hơn mức bình quân chung của cả nước, toàn tỉnh mới đạt tỷ lệ gần 34%; có 31 đơn vị thấp hơn mức bình quân chung của cả tỉnh… Tình hình dịch diễn biến phức tạp, ca nhiễm Covid-19 tăng, số ca sốt xuất huyết đứng thứ 2 khu vực miền Bắc, sau Hà Nội. Chuyển đổi số của Nghệ An xếp thứ 55 trên 63 tỉnh thành của cả nước. Các sở, ngành địa phương phải nhìn nhận thẳng những vấn đề tồn tại để có hướng giải quyết.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cũng đề ra 6 nhóm nhiệm vụ và các giải pháp trọng tâm trong tháng 9.

Trên cơ sở đó, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cũng đề ra 6 nhóm nhiệm vụ và các giải pháp trọng tâm trong tháng 9 và những tháng còn lại của năm 2022. Thứ nhất là tiếp tục kiên trì thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra để thực hiện các mục tiêu KT-XH theo kịch bản tăng trưởng đã đề ra từ đầu năm. Trong đó, quý 3 là phải đạt từ 9,4 – 10% nhưng đã xuất hiện nhiều yếu tố làm chậm tốc độ tăng trưởng chung của tỉnh. Nếu không có biện pháp tháo gỡ, sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng của quý 3 và cả năm 2022. Vì vậy, các ngành chủ động nắm bắt và giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư; tập trung vào thực hiện chương trình phục hồi kinh tế. Tiếp tục theo dõi, kiểm soát diễn biến thị trường, phát hiện các yêu tố tác động đến giá cả để kịp thời có điều chỉnh nhằm ổn định cung cầu. Nhất là các yếu tố liên quan đến các lĩnh vực sản xuất. Đối với ngành nông nghiệp, phải tập trung vào chỉ đạo sản xuất vụ Đông và công tác phòng chống thiên tai. Ngành Công thương bám sát tình hình sản xuất công nghiệp, rà soát lại các sản phẩm công nghiệp đang còn dư địa để tăng sản lượng, hỗ trợ các doanh nghiệp chuẩn bị đi vào sản xuất để bù đắp sản lượng thiếu hụt. Ngành Tài nguyên – Môi trường tập trung giải quyết các vướng mắc về thẩm định giá đất; phối hợp với Sở Xây dựng tháo gỡ các vấn đề về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ngành Tài chính rà soát về thu – chi ngân sách, đảm bảo nguồn chi dự phòng cho công tác phòng chống thiên tai từ nay đến cuối năm.

Lãnh đạo các sở, ngành tham dự phiên họp. 

Nhóm vấn đề thứ 2, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành cấp tỉnh liên quan phải phối hợp với các Bộ chủ quản để trình thẩm định quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050, hoàn thành trong tháng 9 - theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tổng hợp, hoàn thiện báo cáo Tổng kết về Nghị quyết 26 Bộ chính trị để xin ý kiến các bộ ngành TW. Chuẩn bị sơ kết 1 năm thực hiện Nghị quyết 36 về một số cơ chế đặc thù của Quốc hội về phát triển Nghệ An. Đề nghị Sở KH-ĐT tham mưu Nghị quyết chuyên đề của BTV Tỉnh uỷ về xử lý các dự án treo, chậm tiến độ, sử dụng đất không đúng mục đích. Ban quản lý KKT Đông Nam hoàn thiện điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế; phê duyệt chủ trương đầu tư KCN Thọ Lộc B và Hoàng Mai 2. Triển khai kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với BTV Tỉnh uỷ, trọng tâm là các dự án hạ tầng chiến lược, gồm Cảng nước sâu Cửa Lò, sân bay, đường cao tốc nối Vinh – Nam Đàn. Sở Nội vụ khẩn trương triển khai đề án mở rộng TP Vinh. Các ngành, địa phương cũng phải tập trung triển khai các hoạt động kỷ niệm Quốc khánh, ngày sinh của cố TBT Lê Hồng Phong và Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Lãnh đạo các sở, ngành tham dự phiên họp. 

Nhóm nhiệm vụ 3, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu phải tập trung để đẩy nhanh giải ngân đầu tư công. Các ngành, địa phương phải chuẩn bị để đến giữa tháng 9 sẽ triển khai hội nghị chuyên đề giao ban tình hình giải ngân đầu tư công; tìm nguyên nhân, đề ra các giải pháp để thúc đẩy đầu tư công. Từ giờ cho đến thời điểm tổ chức hội nghị, các đoàn kiểm tra phải tổ chức đi thực tế, xem xét 67 dự án chưa giải ngân. Trong tháng 9, các ngành nông nghiệp, LĐ-TB&XH, Ban dân tộc quan tâm hoàn thành việc bố trí vốn đối với 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Đề nghị các ngành chuyên môn phải hỗ trợ, tháo gỡ về thủ tục đầu tư, thẩm định dự án cho các ngành, địa phương nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công.

Nhóm nhiệm vụ thứ 4, các ngành, địa phương quan tâm triển khai công tác phòng chống dịch Covid và sốt xuất huyết; đảm bảo các điều kiện để chăm sóc sức khoẻ, khám chữa bệnh cho nhân khi mà vật tư, trang thiết bị, nhân lực của các cơ sở y tế gặp nhiều khó khăn. Ngành giáo dục chuẩn bị tốt mọi điều kiện để khai giảng năm học mới; phối hợp với ngành Nội vụ để triển khai số lượng biên chế giáo viên mầm. Tăng cường kêt nối, thúc đẩy vấn đề giải quyết việc làm, cân đối cung - cầu trên địa bàn; thực hiện chính sách hỗ trợ đối với người lao động.

Nhóm nhiệm vụ thứ 5: Người đứng đầu UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, trách nhiệm người đứng đầu trong công tác tham mưu, thực hiện nhiệm vụ để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước. Trên tinh thần phải kịp thời tháo gỡ khó khăn, giải quyết những vướng mắc mà doanh nghiệp, người dân đề nghị. Tránh hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm. Chủ động tham mưu các nội dung chuẩn bị cho các kỳ họp của HĐND tỉnh… Bám sát chỉ thị của Thủ tướng về xây dựng Kế hoạch phát triển KT-XH và thu ngân sách năm 2023 sát thực tế… Triển khai cụ thể các kế hoạch về chuyển đổi số.

Về nhóm nhiệm vụ cuối cùng, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung yêu cầu lực lượng vũ trang phải quan tâm thực hiện công tác đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội; chuẩn bị lực lượng cho phòng chống thiên tai. Trước mắt là tập trung thực hiện tốt diễn tập khu vực phòng thủ và phòng thủ dân sự tỉnh./.

Thái Dương – Trường Ca

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện