Thời sự - Chính trị

Giảm số lượng bộ, ngành, nghiên cứu sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh

19:36, 28/11/2022
Nghị quyết 27 của Trung ương yêu cầu giảm hợp lý số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ, đồng thời nghiên cứu thí điểm sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh phù hợp với quy hoạch tổng thể các đơn vị hành chính của quốc gia và từng địa phương.
Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng
Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa thay mặt Ban Chấp hành Trung ương ký ban hành Nghị quyết 27 Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Mục tiêu đến năm 2030 là hoàn thiện cơ bản các cơ chế bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội.

Hoàn thiện cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, được kiểm soát hiệu quả…

Giảm cấp chính quyền phù hợp ở một số địa phương

Về đổi mới tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, Nghị quyết nêu rõ, tiếp tục xây dựng Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất; phát huy tính dân chủ, pháp quyền, hiện đại, chuyên nghiệp, khoa học, công khai, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả trong tổ chức và hoạt động, bảo đảm Quốc hội thực hiện tốt chức năng lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.

Các đại biểu tại Hội nghị Trung ương lần thứ sáu
Các đại biểu tại Hội nghị Trung ương lần thứ sáu

Tiếp tục đổi mới tổ chức, hoạt động của Quốc hội theo hướng nghiên cứu tăng hợp lý số kỳ họp của Quốc hội; kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ do Hiến pháp quy định… Cùng với đó, đổi mới quy trình quyết định về ngân sách nhà nước bảo đảm thực chất, đi đôi với giám sát việc thực hiện ngân sách, từng bước thay thế việc ban hành các nghị quyết bằng các đạo luật về tài chính, ngân sách.

Tiếp tục sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; nghiên cứu thí điểm sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh phù hợp với quy hoạch tổng thể các đơn vị hành chính của quốc gia và từng địa phương; xây dựng cơ chế, thể chế, chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển vùng, liên kết vùng đủ mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.

Trung ương yêu cầu tiếp tục thực hiện tốt thiết chế Chủ tịch nước theo Hiến pháp. Tiếp tục nghiên cứu làm rõ hơn nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước trong vai trò thống lĩnh các lực lượng vũ trang, Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh, trong hoạt động đối nội, đối ngoại, trong mối quan hệ với Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân theo quy định của Hiến pháp.

Nghị quyết cũng nêu rõ tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ, chính quyền địa phương theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tổ chức các bộ, các cơ quan chuyên môn đa ngành, đa lĩnh vực; giảm hợp lý số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.

Tăng cường vai trò, nâng cao trách nhiệm của bộ trưởng với tư cách thành viên Chính phủ trong quản lý vĩ mô và xây dựng chính sách. Thực hiện nguyên tắc một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính, các cơ quan có liên quan phối hợp thực hiện; từng bước xóa bỏ cơ chế phối hợp liên ngành, gắn với việc xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu.

Trung ương cũng yêu cầu hoàn thiện tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với các địa bàn đô thị, nông thôn, miền núi, hải đảo, đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt; giảm cấp chính quyền phù hợp ở một số địa phương; xây dựng mô hình quản trị chính quyền địa phương phù hợp với từng địa bàn, gắn với yêu cầu phát triển các vùng, khu kinh tế.

Đẩy mạnh cải cách chính sách tiền lương

Về cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Trung ương yêu cầu hoàn thiện cơ chế thực thi quyền lực nhà nước, xác định rõ hơn vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của mỗi cơ quan và mối quan hệ giữa các cơ quan nhà nước trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Qua đó, bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát quyền lực bên trong mỗi cơ quan và giữa các cơ quan nhà nước, giữa Trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương và giữa các cơ quan trong cùng một cấp chính quyền.

Các đại biểu tại Hội nghị Trung ương lần thứ sáu
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ sáu

Nghị quyết của Trung ương nhấn mạnh, mọi quyền lực phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, phải được ràng buộc bằng trách nhiệm, quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao trách nhiệm càng lớn; lạm dụng, lợi dụng quyền lực phải bị truy cứu trách nhiệm và xử lý. Kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động của Nhà nước và cán bộ, công chức, viên chức.

Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan kiểm tra đảng, cơ quan tham mưu, giúp việc của Ðảng, cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước. Hoàn thiện cơ chế để Nhân dân trực tiếp kiểm soát quyền lực nhà nước; bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, quyền kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo và các quyền khác của công dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Kiên quyết, kiên trì đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực. Nghiên cứu thành lập các thiết chế mới về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; ban hành các quy định về kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; trong công tác xây dựng pháp luật và quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

Hình thành cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để không thể tham nhũng, tiêu cực; phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực để không dám tham nhũng, tiêu cực; đẩy mạnh cải cách chính sách tiền lương, nâng cao đời sống của cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm để không cần, không muốn tham nhũng, tiêu cực.

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện