Y tế

Gắp dị vật đường thở bỏ quên ở trẻ

11:45, 03/02/2023
Các bác sĩ khoa Hô hấp và Tai Mũi Họng, Gây Mê Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An vừa phối hợp thực hiện gắp thành công một ca dị vật đường thở nguy hiểm trong khí quản cho bệnh nhi nhỏ tuổi.

Bệnh nhân H.T.A (18 tháng, Tân Kỳ) được đưa đến Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An trong tình trạng không suy hô hấp, bệnh nhân chỉ có triệu chứng ho nhiều. Sau khi khai thác tiền sử, người nhà bệnh nhi cho hay: Gần 1 tháng trước trẻ có ăn hạt lạc, sau ăn trẻ sặc, từ đó trẻ ho tăng, người nhà cho trẻ đi khám và được nhập viện khoa Hô Hấp.

Sau khi thăm khám và thực hiện các chỉ định cận lâm sàng cần thiết, kết quả chụp X-Quang thấy có hình ảnh ứ khí phổi trái, CLVT lồng ngực có hình ảnh tổn thương đông đặc và xẹp phân thùy phổi trái, hình ảnh phổi trái quá sáng, nốt phế quản gốc trái – theo dõi nút nhầy chưa loại trừ dị vật.

Hình ảnh dị vật tại đường thở của cháu bé.

Các bác sĩ đã phát hiện và hội chẩn nghi ngờ đây là một trường hợp dị vật đường thở nguy hiểm nên đã hội chẩn với kíp soi để nội soi phế quản cấp cứu.

Sau khi chuẩn bị kỹ lưỡng, ekip soi gồm bác sĩ khoa Hô Hấp phối hợp với bác sĩ khoa Tai Mũi Họng, khoa Gây Mê đã tiến hành nội soi phế quản ống mềm kết hợp ống cứng phát hiện: Lòng phế quản gốc trái có hình ảnh dị vật che kín lòng phế quản, ekip gắp thành công dị vật là mảnh hạt lạc kích thước 1,2cm. Quá trình nội soi thuận lợi và không xảy ra tai biến gì.

Các bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, chẩn đoán lâm sàng dị vật đường thở, nhất là dị vật phế quản; ở trẻ em có thể khó khăn do hội chứng xâm nhập nhiều lúc không rõ, các triệu chứng có thể thay đổi đáng kể tùy theo vị trí của dị vật trong đường hô hấp. Do vậy, việc khai thác tiền sử kĩ càng tránh bỏ sót và các biện pháp khảo sát thăm dò hỗ trợ đóng vai trò quan trọng trong chẩn đoán dị vật đường thở ở trẻ em.

Sơn Đặng

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện