Đời sống - Xã hội

Ký ức của những người lính cựu binh Hưng Nguyên về đại thắng mùa Xuân 1975

17:31, 28/04/2023
Những ngày tháng Tư lịch sử, khi cả nước đang náo nức kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2023), chúng tôi được gặp và trò chuyện với những cựu chiến binh Hưng Nguyên đã trực tiếp tham gia chiến đấu trên chiến trường miền Nam. Ký ức hào hùng về đại thắng mùa Xuân năm 1975 của toàn dân tộc vẫn in đậm trong tâm trí những người lính năm xưa.

Theo chân các đồng chí cán bộ hội Cựu chiến binh xã Hưng Thông- Hưng Nguyên, chúng tôi đến thăm gia đình Cựu chiến binh Trần Văn Xuân, xóm Hồng Phong xã Hưng Thông - Hưng Nguyên, một trong những người lính vinh dự được tham gia vào chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, được kề vai sát cánh cùng đồng đội trong  những trận đánh cuối cùng phóng Miền Nam thống nhất đất nước.

Tháng 4 về, những người lính năm xưa cùng nhau ôn lại kỷ niệm. 

Nhâm nhi bên ly trà nóng cùng những người đồng đội, CCB Trần Văn Xuân không sao giấu nổi sự xúc động khi kể về những gian khổ, hy sinh, những chiến công mà ông và những đồng đội đã trải qua. Sinh năm 1950, năm 18 tuổi chàng thanh niên Trần Văn Xuân hăng hái lên đường nhập ngũ vào C45, tiểu đoàn 12, đoàn 22 quân Khu 4. Sau 2 tháng huấn luyện, CCB Trần Văn Xuân được bổ sung vào chiến trường Quảng Trị, tiểu đoàn 8A, mặt trận B5 Quảng Trị Thừa thiên Huế. Tháng 10 năm 1968, thành lập Trung đoàn 28-B5 và hành quân vào Tây Nguyên.Từ năm 1969- 1974, CCB Trần Văn Xuân tham gia các chiến dịch Bắc Kon Tum,các chiến dịch mặt trận Tây Nguyên. Năm 1975 tham gia giải phóng Quận Lỵ Đức Lập, giải phóng Nha Trang - Khánh Hòa và sau đó, CCB Trần văn Xuân cùng đồng đội của ông  trực tiếp tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.Trong chiến dịch này, đơn vị của ông trực tiếp tham gia đánh vào Sân bay Tân Sơn Nhất, đánh vào Bộ Tổng  tham mưu quân đội Việt Nam Cộng hòa .

CCB Lê Văn Hạnh và CCB Trần Văn Xuân  cùng xem lại những tấm bằng khen, giấy khen  ôn lại quá khứ hào hùng của mình.

Với ý chí chiến đấu ngoan cường ông đã cùng đồng đội góp phần quan trọng vào chiến thắng chung của đất nước. 48 năm đã trôi qua, giờ đây ký ức về không khí sục sôi, chiến đấu dồn dập khắp các chiến trường miền Nam làm ông  không khỏi bồi hồi, xúc động. Đó là những ký ức không thể nào quên đối với ông CCB Trần Văn Xuân: Trước khi vào chiến dịch, đi các đơn vị anh em đều phấn khởi, ao ước được vào đánh trận này, ,vì  đã từ lâu  giờ đều anh em đều đánh trong rừng, nhưng hôm đó toàn bộ Trung đoàn hành quân, hành tiến bằng cơ giới cùng hành tiến với hàng nghìn quân tiến đánh Sân bay Tân Sơn Nhất, đánh vào Bộ Tổng  tham mưu Ngụy. Trên đường đánh địch bỏ chạy, vào nhà  Tổng tham mưu nhìn xuống xung Sài Gòn, nhìn xuống thấy đất nước mình đã thống nhất,  giải phóng trong đó có  sự đóng góp của mình.

Trở về đời thường, CCB Trần Văn Xuân tích cực tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.

Sau khi giải phóng hoàn toàn Miền Nam, đơn vị của ông được chuyển về Đức Trọng- Lâm Đồng. Tháng 7 năm 1977, biên giới Tây Nam bị xâm chiếm, ông cùng đồng đội tham gia chiến đấu  bảo vệ biên giới Tây Nam. Từ năm 1979 đến 1993, CCB Trần Văn Xuân được cử đi học, và  được giữ lại làm giảng viên Trường sĩ quan Pháo binh ở Sơn Tây. Từ năm 1993 -1995, CCB Trần Văn Xuân được về làm Lữ Phó Chính trị, Lữ đoàn 490 Binh chủng pháo binh. Năm 2001 CCB Trần Văn Xuân nghỉ hưu với cấp bậc Đại tá.

Phát huy phẩm chất bộ đội cụ Hồ, khi trở về địa phương, cựu chiến binh Trần Văn Xuân luôn tích cực tham gia công tác xã hội và gương mẫu đi đầu trong các phong trào. Đặc biệt, ông được chính quyền và nhân dân địa phương tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ xóm liên tục 3 nhiệm kỳ và  bầu làm 2 khóa Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã. Điều đáng khâm phục là dù tuổi đã cao, song CCB Trần Văn Xuân vẫn luôn là tấm gương sáng về tinh thần tự học để các thành viên trong gia đình và bà con hàng xóm noi theo.

CCB Lê Văn Hạnh  bên các đồng đội  kể lại  kỷ niệm tham gia chiến dịch.

Còn đối với CCB Lê Văn Hạnh, xóm Hồng Hà, xã Hưng Thông- Hưng Nguyên. Người đã từng xông pha trận mạc, từng vào sinh, ra tử và may mắn khi được chứng kiến thời khắc đất nước thống nhất. Đất nước đã thống nhất 48 năm, nhưng những ký ức một thời đạn lửa vẫn hiện lên rõ nét trong tâm trí của cựu chiến binh Lê Văn Hạnh.

Năm 1972, khi đó mới 17 tuổi chàng thanh niên Lê Văn Hạnh đã tự nguyện đi theo tiếng gọi thiêng liêng  của non sông, lên đường nhập ngũ, vào chiến trường miền Nam khốc liệt. Dẫu biết rằng, được chọn làm nhiệm vụ chiến đấu trinh sát pháo binh rất nhiều hiểm nguy, nhưng với ông, đây là vinh dự và nhiệm vụ cao cả vô cùng. Tháng 3 năm 1973, Chàng thanh trẻ Lê Văn Hạnh được tham gia chiến trường Đông Nam Bộ đơn vị C4- D7 E28, F75 – Đoàn pháo binh Biên Hòa và từng tham gia chiến đấu trên các mặt trận Tây Ninh, Bình Long, Phước Long, Củ Chi, Sài gòn, Long An. Ngày 26/4/1975 CCB Lê Văn Hạnh trực tiếp tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, với nhiệm vụ dẫn đường pháo binh, đánh khu vực từ Hậu Nghĩa, Long An  giải phóng Sài Gòn của Quân đoàn 232, do đồng chí Tổng tư lệnh Lê Đức Anh chỉ huy .

Nhờ về những ký ức về tham gia gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử CCB Lê Văn Hạnh chia sẻ: "Dọc đường hành quân, khí thế của bộ đội ta như chẻ tre, sôi sục. Với tâm thế của người lính dồn tất cả cho trận đánh lớn quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, bộ đội ta ào ào tiến lên như vũ bão. Dưới sự chỉ huy tiếp chỉ huy của đồng chí Tổng tư lệnh Lê Đức Anh, cánh quân CCB Lê Văn Hạnh tham gia tiến công trên hướng Tây – Tây Nam Sài Gòn, thực hiện các nhiệm vụ chia cắt các lực lượng Sài Gòn và miền Đông với lực lượng vùng đồng bằng sông Cửu Long; Tấn công Biệt khu Thủ đô và Tổng nha Cảnh sát, sau đó hợp điểm cùng các cánh quân khác tại Dinh Độc Lập vào trưa ngày 30-4-1975, góp phần vào thắng lợi chung của toàn quân và toàn dân ta trong trận quyết chiến chiến lược cuối cùng".

Cùng với vợ con, CCB Lê Văn Hạnh tham gia phát triển chăn nuôi, tăng thêm thu nhập cho gia đình. 

Giờ đây, khi nhớ về những đồng đội của mình đã ngã xuống, lòng ông không khỏi quặn thắt, xót xa. CCB Lê Văn Hạnh  tâm sự: Những trận chiến đấu quyết liệt cùng những cơn mưa bom đạn dữ dội trong Chiến dịch Hồ Chí Minh khiến nhiều đồng đội của tôi bị thương nặng. Dù vậy, các anh vẫn tiến về phía trước, xông thẳng tới quân thù và tiếp tục chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. 

48 năm đã qua, ký ức về trận chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, vẫn như mới ngày nào. Những người lính năm xưa như CCB Trần Văn Xuân, hay Lê văn Hạnh, đều đã bước sang cái tuổi Thất thập cổ lai hy. Tuy nhiên khi gặp lại đồng đội giữa những ngày tháng Tư lịch sử, những trang ký ức cứ lần lượt hiện về như thước phim quay chậm. Những người lính cựu chiến binh năm đó vẫn mãi không thể nào quên ngày hội thống nhất, non sông thu về một mối. Những câu chuyện hào hùng đó thường xuyên được kể lại nhằm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ tiếp bước cha ông trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp./.

Nguyễn Hạnh

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện