Kinh tế

Vì sao quýt PQ khó tiêu thụ, một góc nhìn khác!

11:01, 23/03/2021
Có lẽ câu chuyện “được mùa rớt giá” không còn xa lạ với nông dân Việt Nam nói chung và nông dân Nghệ An nói riêng. Và cụm từ “giải cứu nông sản” đã trở thành khẩu hiệu lặp đi lặp lại mỗi khi nông sản nào đó ở tình trạng cung vượt cầu. Rồi cứ mỗi lần như thế, chúng ta lại phân tích nguyên nhân, thảo luận giải pháp. Thế nhưng, ngoài lý do người dân trồng phá vỡ quy hoạch, thì có một nguyên nhân mà các ngành liên quan đang cố tình “lờ’ đi, đó chính là chất lượng nông sản chưa được người tiêu dùng đón nhận. 

Phá vỡ quy hoạch, cơ quan quản lý ở đâu?

Thông tin quýt PQ ở các huyện miền núi không tiêu thụ được phải đổ đống, nông dân kêu than, các tổ chức cá nhân vào “giải cứu” trở thành tâm điểm của sản xuất nông nghiệp ở Nghệ An những ngày qua. Và một trong những nguyên nhân chính mà ngành chủ quản, chính quyền địa phương nhắc tới khi đề cập đến một nông sản nào đó, không riêng gì quýt “được mùa mất giá” chính là do nông dân tự phát trồng, dẫn đến phá vỡ quy hoạch. Không sai, nhiều cây trồng vừa mới xây dựng mô hình, nhận thấy năng suất, sản lượng tốt, một vài vụ đầu sản phẩm tiêu thụ được, nhiều nơi, bà con chẳng cần ngó ngàng đến quy hoạch, cứ ồ ạt trồng và diện tích tăng thì đương nhiên sản lượng cũng tăng theo cấp số nhân. Đừng nói vùng chuyên canh cây công nghiệp, cây ăn quả hay nguyên liệu cho nhà máy chế biến, ngay cả hành tăm – một loại gia vị cũng phát triển rộng khắp. Trong khi chỉ người dân ở một số vùng hợp khẩu vị mới sử dụng, chứ thực tế hành tăm không phải là loại gia vị phổ biến. 

Mặc dù giá quýt chỉ từ 2000- 2.500 đồng kg nhưng không có thương lái đến thu mua.
Người trồng quýt Nghĩa Đàn buồn bã vì giá quýt chỉ từ 2000- 2.500 đồng kg nhưng không có thương lái đến thu mua.

Nhưng nhìn lại, tự phát, phá vỡ quy hoạch một vụ, chẳng lẽ đến vụ sau, vụ sau nữa, chính quyền, ngành chủ quản lại không can thiệp hay có ý kiến gì? Quản lý nhà nước về lĩnh vực nông nghiệp ngó lơ hay không có giải pháp? Điều đáng nói là, báo cáo hàng năm của ngành nông nghiệp luôn có con số tích cực là diện tích cây này, cây kia tăng, chứ có khi nào lý giải tăng đó là do phá vỡ quy hoạch? Vậy vô hình trung, không ai tuýt còi, không ai can thiệp, bà con cứ vậy trồng. 

Chất lượng sản phẩm quyết định đầu ra

Không nên nói hoài, nói mãi việc phá vỡ quy hoạch, bài viết này cũng không muốn đi sâu nói về nguyên nhân này, bởi nếu cứ đổ tại phá vỡ quy hoạch, thì mãi mãi, cái vòng luẩn quẩn được mùa rớt giá vẫn không thể thoát ra, và “trăm sai vẫn đổ tại nông dân”.

Chúng ta đều biết, dù muốn hay không, dù sớm hay muộn, dù thông suốt hay chưa thì phát triển nông nghiệp hàng hóa là tất yếu. Một nông sản muốn trở thành hàng hóa phải đảm bảo diện tích, sản lượng và chất lượng. Khi đảm bảo cả 3 yếu tố đó thì mới nghĩ đến chuỗi giá trị và tiêu thụ. Chính vì thế, khi đưa một cây trồng nào đó vào một vùng đất, và có ý định quy hoạch thành vùng chuyên canh, chưa nói đến xây dựng chuỗi giá trị đi cùng như nhà máy chế biến, hệ thống phân phối sản phẩm, thị trường đầu ra, thì cái quan trọng nhất để một nông sản tồn tại, phát triển chính là chất lượng sản phẩm. Chất lượng sản phẩm không tốt thì có PR bao nhiêu, quảng bá, truyền thông thế nào, sớm muộn cũng bị chính thị trường đào thải. Và đối với một mô hình, một cây trồng, như vậy coi như “chết yểu”. Khủng hoảng hơn, là nếu chất lượng kém, không cạnh tranh được mà vẫn nhân rộng mô hình, nhân rộng diện tích, chạy theo năng suất, sản lượng, thì bài học nhỡn tiền chúng ta đã thấy rõ. 

Bà con xót xa trước một vụ quýt thất thu.

Trở lại với Quýt PQ, một giống quýt có thể nói, nếu bất cứ ai đã ăn qua đều không hài lòng, thậm chí cảm thấy thất vọng. Một giống quả bóc vỏ nhưng rất khó bóc, vỏ dính liền với ruột, mỗi lần bóc thì kết quả thu về là tay đầy nước và ruột thì nhão. Chưa nói đến hạt quá nhiều, chủ yếu hạt lép và vị lại nhạt. Người tiêu dùng cảm thấy quá bất tiện khi ăn loại quýt này. Còn nếu nói vắt lấy nước, đó chỉ là giải pháp tình thế. Chẳng ai vắt quýt để lấy nước cả! Và quýt cũng không phải là loại quả sinh ra để vắt lấy nước theo kiểu thủ công. Khảo sát một số ý kiến người tiêu dùng về loại quýt này, đều nhận được cái lắc đầu, nhiều người lại có ý so sánh với một số loại quýt trên thị trường.

Quýt trĩu cành nhưng ế ẩm, được đoàn viên, thanh niên giải cứu.

Vậy tại sao, một giống quýt kém chất lượng như thế mà nông dân vẫn trồng, lại còn trồng rất nhiều để rồi không thể tiêu thụ? Chẳng lẽ khi đưa giống này vào, ngành chủ quản, chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực nông nghiệp không thẩm định, không đánh giá chất lượng cũng như dự tính, dự báo tâm lý, thái độ tiếp nhận của người tiêu dùng đối với sản phẩm? Để đến khi không có đầu ra lại đổ tại nông dân phá vỡ quy hoạch?

Quýt được hái và đóng thành bao để vận chuyển đi tiêu thụ.

Thực tế, với giống quýt này, không phải năm nay được mùa mới mất giá, mà bình thường người tiêu dùng cũng không mặn mà và chủ yếu chỉ tiêu thụ nhỏ lẻ ở các vùng nông thôn. Trong khi thị trường biết bao nông sản chất lượng trong nước có, ngoài nước có, tràn lan trên các sạp hàng, thì thử hỏi, quýt PQ có chỗ nào để cạnh tranh?

Từ quýt PQ mới đi đến lý giải một số nông sản khác. Hầu hết chúng ta chỉ mới xây dựng mô hình, ghi nhận năng suất, sản lượng liền nhân rộng, khuyến khích nông dân trồng, chứ chưa hề đánh giá chất lượng, sự tín nhiệm, tiêu thụ của người tiêu dùng với sản phẩm đó. Báo cáo hàng năm của ngành nông nghiệp cũng chỉ đánh giá sản lượng, năng suất cây trồng, chứ chưa nói đến chất lượng, giá trị mang lại từ cây trồng đó. 

Tuổi trẻ Đài PT-TH Nghệ An phối hợp cùng phường Lê Mao, doanh nghiệp trên địa bàn TP Vinh chung tay giúp bà con huyện Nghĩa Đàn tiêu thụ nông sản.
Tuổi trẻ Đài PT-TH Nghệ An phối hợp cùng phường Lê Mao chung tay giải cứu quýt giúp bà con huyện Nghĩa Đàn.

Thế giới đã làm nông nghiệp hàng hóa từ rất lâu, người tiêu dùng cũng đã chuyển dần từ nhu cầu ăn no sang ăn ngon. Vậy cớ gì bà con nông dân và cả cơ quan quản lý nhà nước lĩnh vực nông nghiệp vẫn cứ mãi chạy theo số lượng mô hình, chạy theo năng suất, sản lượng mà không chuyên tâm vào chất lượng sản phẩm. Nông dân có thể chưa có một tư duy hoàn chỉnh về kinh tế hàng hóa, nhưng các cấp chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước thì sao?

Một so sánh nhỏ để khẳng định thêm rằng “được mùa rớt giá” không phải chỉ do quy hoạch mà chắc chắn nguyên nhân chính còn do chất lượng sản phẩm. Bởi nếu so diện tích, thì cam Vinh (gọi chung là giống cam chanh) ở Nghệ An có diện tích còn cao gấp nhiều lần quýt PQ và thời gian tồn tại cũng không thể so sánh. Thế nhưng, kể cả vào những năm được mùa, cam Vinh cũng không bao giờ rớt giá thảm như quýt PQ, 2000đ/1kg vẫn không có người mua. 

 Quýt PQ đã bắt đầu ra hoa cho mùa vụ mới.

Khoan hãy nói đến chế biến hay xuất khẩu, thị trường nội địa của Nghệ An nói riêng, Việt Nam nói chung vô cùng tiềm năng, chúng ta lại ở vùng nhiệt đới nên nhu cầu sử dụng hoa quả rất lớn. Chỉ cần sản phẩm chất lượng, dĩ nhiên tiêu thụ nội địa cũng có thể là lời giải tốt cho những nông sản khi được mùa. Vì thế, rất cần một thái độ đúng đắn, một tinh thần trách nhiệm của những người quản lý nông nghiệp và nông dân, và hãy đặt mình vào vị trí người tiêu dùng hôm nay khi quyết định sản xuất một nông sản nào đó. 

 Bảo Khánh

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện