Thời sự - Chính trị

"Dôi dư công chức, viên chức ở TP Hồ Chí Minh"

09:43, 28/06/2022
Tại TP Hồ Chí Minh, số biên chế nhiều hơn số lượng được Trung ương duyệt có nguyên nhân từ việc tốc độ gia tăng dân số cao, số lượng bệnh viện, trường học tăng cao theo từng năm.

Tuần qua, đoàn công tác của Bộ Nội vụ đã làm việc với lãnh đạo TP.HCM. Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà thẳng thắn nói trong các tỉnh, thành thì TP.HCM là địa phương duy nhất còn tình trạng dôi dư biên chế công chức, viên chức.

Bộ trưởng cho rằng TP.HCM đã không chặt chẽ trong quản lý biên chế, có phần buông lỏng dẫn đến là địa phương duy nhất trên cả nước còn tồn tại tình trạng này.

Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Huỳnh Thanh Nhân cho biết TP.HCM hiện có số công chức, viên chức vượt 5.700 người so với số lượng được trung ương giao. Tuy nhiên, lượng viên chức chênh lệch đều đang làm việc, không phải dôi dư. Số biên chế tại địa phương nhiều hơn số lượng được trung ương duyệt có nguyên nhân từ việc tốc độ gia tăng dân số cao, số lượng bệnh viện, trường học tăng cao theo từng năm.

Hồi đầu năm, tại Hội nghị về kinh tế - xã hội TP, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên yêu cầu: Trong phòng chống dịch, TP đã bỏ ra 200% sức lực để chiến đấu thì giờ đây cũng phải bỏ ra 200% sức lực như thế để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Một lãnh đạo huyện Bình Chánh kể: Trước yêu cầu của bí thư, ông rất tâm đắc nhưng lo lắng. “Vì ở Bình Chánh, nếu chỉ làm 200% thì không thể hoàn thành nhiệm vụ, anh em lâu nay đã làm việc 400% rồi!” - vị lãnh đạo này nói.

Ở xã Vĩnh Lộc A, dân số gần 130.000 người nhưng biên chế chỉ hơn 20 người. Tính ra mỗi công chức phục vụ 6.000 dân. Tương tự, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, dân số cũng xấp xỉ 130.000 người với định biên cán bộ, công chức chỉ hơn 20 người.

Hai năm trước, vào tháng 5-2020, chủ tịch UBND TP đã có báo cáo gửi Chính phủ và Bộ Nội vụ. Theo đó, năm 2020, UBND TP.HCM được giao 10.405 công chức, 99.691 viên chức và 12.015 hợp đồng lao động, tổng cộng là 122.111 người. Nhiều năm liền TP không được tăng biên chế so với yêu cầu nhiệm vụ và tốc độ tăng dân số gây khó khăn khi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao.

Với quy mô dân số gần 9 triệu dân, đòi hỏi phải có bộ máy, nhân sự thực hiện nhiệm vụ chính trị và quản lý nhà nước theo yêu cầu. Khối lượng công việc đối với công chức hành chính lúc đó thì một công chức phục vụ khoảng 1.117 người dân trên địa bàn TP.

Theo số liệu thống kê năm 2019, bình quân dân số trên một đơn vị hành chính cấp huyện của TP cao hơn so với bình quân dân số trên một đơn vị hành chính cấp huyện của cả nước là 239.015 người; bình quân dân số trên một đơn vị hành chính cấp xã của TP cao hơn so với bình quân dân số trên một đơn vị hành chính cấp xã của cả nước là 18.902 người.

TP.HCM là đô thị đặc biệt, quy mô và mật độ dân số trên 10 triệu dân, cao hơn dân số Hà Nội (khoảng 9 triệu dân - thời điểm năm 2020), tốc độ tăng trưởng luôn ở mức cao và là nơi đóng góp khoảng 1/3 ngân sách quốc gia. Thế nhưng năm 2020, Chính phủ giao biên chế cho TP thấp hơn biên chế của Hà Nội là 815 biên chế (7.227/8.042 biên chế).

Như vậy, các quy định về định biên cần phải được điều chỉnh.

Mặc dù, TP đã cố gắng thực hiện việc giảm biên chế công chức hằng năm theo nghị quyết của trung ương (giảm tối thiểu 2%) nhưng do nhu cầu thực tế tại TP thì số biên chế trong nhiều năm qua của TP vẫn luôn cao hơn so với số biên chế Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nội vụ giao.

Có lẽ câu chuyện về “dôi dư công chức, viên chức” cần được nhìn nhận một cách bình tĩnh, toàn diện hơn. Nói về con số của đội ngũ, cần đặt nó trong tổng thể định lượng công việc. Như vậy sẽ động viên được cán bộ và cũng tạo điều kiện cho TP phục vụ tốt người dân, phát triển kinh tế -xã hội mạnh mẽ hơn, luôn là TP đầu tàu để đồng hành và đóng góp cùng cả nước.

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện