Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Thu nhập cao từ gương sen

17:55, 02/07/2021
Những ngày hè nắng oi ả, trong đầm sâu nước trũng, hoa sen đua nhau khoe sắc, khi hoa tàn lại cho gương sen. Ẩn trong gương sen là những hạt tròn đen thẫm đem lại thu nhập cao cho người nông dân. 
 

Từ sáng sớm, tranh thủ lúc tiết trời còn dịu mát, anh Lê Xuân Quý ở xóm 6 xã Đà Sơn, huyện Đô Lương đã có mặt tại đầm sen để thu hoạch gương sen. Công việc tưởng chừng đơn giản nhưng người thu hoạch gương sen ngoài việc phải lội dưới bùn sâu phải mặc thêm áo vải dày hoặc áo mưa để tránh gai từ cây sen đâm vào người.

 

Dụng cụ của người thu hoạch gương sen khá đơn giản, chỉ cần 1 chiếc liềm và một chiếc chậu nhựa loại lớn. Anh Lê Xuân Quý cho biết: “Mỗi ngày hái 4 chậu chất đầy gương sen. Mỗi chậu đựng được khoảng 300 gương sen. Với khoảng 1.200 gương sen bóc lấy hạt được tầm 20kg hạt sen”.

 

Sau khi thu hoạch gương sen đưa về nhà, các hộ gia đình trồng sen cần mẫn ngồi tách các hạt sen từ gương. Nếu bán hạt sen không có vỏ, phải sử dụng loại dao nhỏ, sắc để tách phần vỏ của hạt ra.

 

Ông Lê Đình Hải, một hộ dân trồng sen ở xã Đà Sơn, huyện Đô Lương cho biết: “Nghề trồng sen thuận lợi nhất là không phải đầu tư chăm bón cho cây sen. Tuy nhiên mất công thu hoạch, bóc tách hạt sen. Mỗi kg hạt sen chưa bóc vỏ bán với giá 40.000 đồng, còn loại hạt đã bóc vỏ giá bán 100.000 đồng/kg”.

 

Sen là loại cây trồng “dễ tính”, ưa sống ở vùng đầm sâu, nước trũng, thường bắt đầu từ tháng 4 đã cho thu hoạch. Hoa sen từ khi trổ đến khi làm gương già khoảng15 ngày. Một hộ gia đình nếu trồng 7 sào sen phải thu hoạch hàng ngày. Theo tính toán của người dân, nếu cây sen sinh trưởng dày, 7 sào sen mỗi ngày cho 20kg hạt, xuất bán thời điểm dịch bệnh này cũng được 800 ngàn đồng/ngày.

 

Huyện Đô Lương hiện có trên 50ha sen được trồng rải đều 33 xã, thị. Hầu như nơi nào có đầm sâu trũng thì nơi đó có sen mọc tự nhiên hoặc do người dân nuôi trồng. Sen được trồng nhiều điển hình có ở các xã: Đà Sơn, Thịnh Sơn, Tràng Sơn, Hồng Sơn, Giang Sơn Đông, Giang Sơn Tây, Thái Sơn…

 

Ông Lê Văn Lạp ở xã Thái Sơn, một cựu chiến binh từ khi rời quân ngũ trở về quê nhà cần cù với ruộng lúa, đầm sen. Vùng đất trũng ở cuối làng bỏ hoang, ông Lạp cải tạo lại thành đầm thả sen với diện tích gần 2ha. Không phải đầu tư chăm sóc, mỗi năm thu hoạch từ sen cũng “bỏ túi” khoảng 50 triệu đồng. Ông Lạp vui vẻ nói: “Trồng sen cho thu hoạch gấp 4 lần trồng lúa, ngoài bán gương sen thì mỗi dịp ngày rằm còn bán hoa sen, mỗi bông có giá 3.000 đồng”.

 

Cũng như ông Lạp, ở xã Tràng Sơn, huyện Đô Lương, ông Hoàng Văn Nhượng trồng hơn 2ha sen, mỗi năm thu hoạch trên 1 tấn hạt, chưa kể việc bán hoa cho người dân. Quanh năm cần cù bám lấy đầm sen, vừa thả cá, trồng chuối quanh bờ đầm, cuộc sống của gia đình ông dư dả hơn nhiều so với nông dân trong vùng.

 

Gương sen cho hạt từ đầm sâu, mang lại thu nhập khá cho người nông dân. Không những thế, những đầm sen còn tô thắm thêm cảnh đẹp ở những làng quê nông thôn vốn dĩ mộc mạc, bình yên.

Ngọc Phương

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện

    Xem thêm