Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Một số kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ đạo công tác giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số

17:15, 16/10/2020
Giảm nghèo là chỉ tiêu quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Để thực hiện được mục tiêu này cần vận dụng các kinh nghiệm thực tiễn và đề ra nhiều giải pháp đồng bộ, đặc biệt đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận thuận lợi hơn các dịch vụ xã hội cơ bản, từ đó giúp người nghèo vươn lên trong cuộc sống, tạo tiền đề vững chắc đưa Nghệ An phát triển nhanh, bền vững.

Từ thực tế tại địa phương, trong tham luận tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025, đại biểu Vương Quang Minh – Bí thư Huyện ủy Quỳ Châu đã nêu lên một số kinh nghiệm trong công tác giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đề xuất một số nhiệm vụ giải pháp để thực hiện tốt hơn công tác giảm nghèo trong Báo cáo Chính trị trình trước Đại hội.

Đồng chí Vương Quang Minh - Bí thư Huyện ủy Quỳ Châu phát biểu tham luận.
Đồng chí Vương Quang Minh - Bí thư Huyện ủy Quỳ Châu phát biểu tham luận.

Quỳ Châu là huyện miền núi nghèo thuộc nhóm II, dân số hơn 60.000 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 80%. Kinh tế, xã hội phát triển chậm, thu nhập bình quân còn thấp, lao động thiếu việc làm, thiếu đất sản xuất, trình độ dân trí không đồng đều, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Từ đặc điểm đó, huyện Quỳ Châu xác định công tác giảm nghèo có ý nghĩa hết sức quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị, củng cố quốc phòng an ninh và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Do vậy, để giảm nghèo, địa phương đã lồng ghép các chương trình, dự án hỗ trợ huyện nghèo của Trung ương và của tỉnh, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng về giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế; đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động; đa dạng hóa sinh kế cho hộ nghèo, hỗ trợ vay vốn, cây, con giống, phát triển kinh tế hộ gia đình và nhân rộng mô hình giảm nghèo. Qua đó công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tốc độ giảm nghèo của huyện cao hơn bình quân chung cả tỉnh, đầu nhiệm kỳ tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn là 50,55%, đến nay số hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều còn 20,17%, vượt 3,7% so với kế hoạch, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 16,2 triệu đồng lên 40.000 đồng/người/năm.

Qua thực trạng công tác giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, huyện Quỳ Châu rút ra một số bài học kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đó là: Xác định mục tiêu giảm nghèo bền vững là tiêu chí quan trọng hàng đầu trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, đây là công việc hết sức khó khăn, gian nan lâu dài, đòi hỏi phải có sự quyết tâm cao của cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trong quá trình thực hiện. Ngoài tuyên truyền, vận động và vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên gắn với các phong trào thi đua yêu nước, đồng thời xây dựng và nhân rộng các mô hình làm giàu, khơi dậy ý thức vươn lên trong tự lực thoát nghèo của nhân dân, tránh tình trạng trông chờ ỷ lại Nhà nước và cộng đồng.

trực tiếp đến thăm một số mô hình giảm nghèo, mô hình phát triển sản xuất, xây dựng NTM trên địa bàn xã Châu Hội.
Lãnh đạo tỉnh trực tiếp đến thăm một số mô hình giảm nghèo, mô hình phát triển sản xuất, xây dựng NTM trên địa bàn xã Châu Hội - huyện Quỳ Châu.

Quá trình thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo cần có cơ chế, chính sách đồng bộ phù hợp với lợi thế vùng đồng bào dân tộc thiểu số; phong tục, tập quán, đặc điểm tâm lý, văn hóa truyền thống và lồng ghép các chương trình, dự án để tránh dàn trải; đảm bảo dân chủ, tôn trọng ý kiến, lắng nghe nguyện vọng của người dân trong công tác giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, tăng trưởng kinh tế ổn định là cơ sở, là tiền đề đảm bảo nguồn lực cho giảm nghèo bền vững. Công tác giảm nghèo bền vững phải đi đôi với thực hiện chính sách an sinh xã hội, đào tạo nghề, thu hút đầu tư, giải quyết việc làm, tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp để nâng cao thu nhập và đời sống cho nhân dân.

Để thực hiện thành công công tác giảm nghèo bền vững thời gian tới, cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các ngành chức năng, MTTQ và các tổ chức đoàn thể để kiên trì thực hiện các giải pháp đồng bộ về tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững. Thực hiện lồng ghép các chính sách, đồng bộ các giải pháp để giảm nghèo và chống tái nghèo, nhất là các chương trình, dự án, các cơ chế chính sách đặc thù đối với vùng dân tộc miền núi, cần làm tốt công tác đào tạo nguồn nhân lực, dạy nghề, tạo việc làm, xuất khẩu lao động; thu hút đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng, hỗ trợ các điều kiện phát triển sản xuất để tạo đột phá nâng cao thu nhập cho người dân.

Các đại biểu tham dự Đại hội.
Các đại biểu tham dự Đại hội.

Đẩy mạnh thực hiện dân chủ cơ sở, xây dựng ý thức công dân và tăng cường xã hội hóa, huy động tối đa các nguồn lực của mọi tầng lớp xã hội, của mọi thành phần kinh tế. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, giám sát và đánh giá tổng kết, rà soát, kiến nghị bổ sung các chính sách phù hợp trong công tác giảm nghèo theo hướng giảm dần trợ cấp, tăng cường chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế cho người nghèo. Cùng với đó, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng năng lực trong công tác giảm nghèo, đây là chìa khóa để đưa các chủ trương, chính sách vào thực tiễn, và qua việc nêu gương của cán bộ, đảng viên bằng những việc làm, hành động cụ thể sẽ làm cầu nối củng cố niềm tin, trách nhiệm của Nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền trong công tác giảm nghèo./.

Hữu Đức ghi

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện

    Xem thêm